Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, lại rộ lên tranh cãi về việc có nên bỏ Tết hay gộp Tết cổ truyền cùng Tết Dương lịch. Có người cho rằng Tết cổ truyền tốn kém, lạc hậu, hay không còn phù hợp trong nền kinh tế ngày càng phát triển. Cũng có người nói rằng bởi phú quý thường sinh lễ nghĩa, những thủ tục “phải có” vào Tết ngày càng nhiều và nhiêu khê khiến người ta trở nên “sợ Tết”.
Cuốn sách "Tết đoàn viên". |
Ngày nay, khi tối giản đã trở thành một xu hướng thịnh hành, thì có nên tối giản Tết – bỏ đi những thủ tục rườm rà để có thể thật sự tận hưởng những giá trị của Tết hay không? Những ngày cuối năm, nhà văn Y Phương, nhà văn Trung Sỹ, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, nhà báo Nick M, nhà văn Uông Triều, nhà báo Lữ Mai đã cùng ngồi lại, bên chén trà và bàn chuyện “Tết tối giản – giữ nét xưa trong lòng Tết hiện đại”. Tại buổi trò chuyện, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn rưng rưng kể lại kỷ niệm với người mẹ của mình. Bà cho rằng, dù cuộc sống hiện đại có trôi chảy nhanh đến đâu, nhưng có hai phong tục người Việt nên gìn giữ là tập tục đi thăm mộ phần của tổ tiên, ông bà và đoàn viên cuối năm. Ở gia đình nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn còn thành lập quỹ Khuyến học, để dịp Tết đến xuân về, khi các gia đình quây quần bên nhau, các con cháu đều được trao tặng quà, phần thưởng.
Đây cũng là dịp ra mắt cuốn sách “Tết đoàn viên” do chính nhà văn Nguyễn Quang Thiều tuyển chọn, tập hợp nhiều bài viết của các nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu, họa sĩ, người nổi tiếng và các cây bút trẻ trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Bên cạnh các tên tuổi gạo cội như nhà văn Nguyễn Quang Thiều, nhà văn Trung Sỹ, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn..., ấn phẩm "Tết đoàn viên" còn có sự góp sức của MC Thảo Vân, ca sĩ Thanh Duy, ban nhạc Lộn Xộn-Quán quân Sing my song...
MC Thảo Vân. |
Lộn xộn band. |
Ca sĩ Thanh Duy. |
"Sẽ khó có thể có một cái tên nào khác phù hợp hơn cái tên "Tết đoàn viên" cho một cuốn sách viết về Tết. Yếu tố quan trọng nhất và cũng là bí mật lớn nhất của Tết là sự đoàn tụ. Mỗi tác giả trong cuốn sách này, bằng một cách riêng nói về những vẻ đẹp khác biệt của Tết. Mỗi bài viết mang đến một phong vị của từng vẻ đẹp của từng vùng, từng thời… làm nên vẻ đẹp của Tết. Những vẻ đẹp ấy hiển hiện trong trời đất, trong cây cỏ hoa lá, trong những ngôi nhà, căn bếp, trong mỗi gương mặt người, trong mỗi giọng nói, trong hương nến trên những ban thờ, trong hương vị của những món ăn truyền thống…
Đọc xong cuốn sách này, tôi cảm giác cuốn sách như cỗ máy thời gian đưa người đọc trở về với những vẻ đẹp và sự thiêng liêng của thời khắc kỹ vĩ nhất một năm – thời khắc chuyển từ năm cũ sang một năm mới. Những vẻ đẹp và sự thiêng liêng mà các tác giả nói tới trong cuốn sách này thực sự đang rời xa chúng ta theo năm tháng. Đó là sự thật. Và có lẽ bởi sự thật ấy mà cuốn sách Tết đoàn viên ra đời", nhà văn Nguyễn Quang Thiều chia sẻ./.
“Tết đoàn viên” được tuyển chọn bởi nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Nguyễn Quang Thiều là một nhà thơ hiện đại của Việt Nam, ngoài lĩnh vực chính thơ ca tạo nên tên tuổi, ông còn là một nhà văn với các thể loại tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký và tham gia vào lĩnh vực báo chí. Ông hiện nay là Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam; Phó Tổng thư ký thứ nhất Hội Nhà văn Á – Phi.
0 nhận xét:
Post a Comment