Khi “Chánh Tín sống để làm phim”
Nguyễn Chánh Tín - Nguyễn Thành Luân trong 8 tập của “Ván bài lật ngửa” đã đem lại cho các thế hệ 4, 5, 6, 7, thậm chí 8X ở Việt Nam một niềm cảm hứng mênh mông, và cao hơn là niềm tin vào cuộc sống cho đến tận bây giờ.
NSƯT Chánh Tín |
Mỗi lần xem phim, tôi như khắc ngay trong tâm trí từ phong cách, ăn mặc, cử chỉ, điệu bộ; từ cách đi đứng, nói cười, đối thoại, đặc biệt là ánh mắt của anh trong phim đã lột tả chiều sâu tâm lý nhân vật, “đốn tim” biết bao phụ nữ. Anh đã làm cho người yêu điện ảnh ấn tượng rất lâu ở mọi nơi, mọi lúc với tình cảm và sự ngưỡng mộ chân thành.
Vì mến mộ anh, tôi đã không biết bao nhiêu lần tập nói tiếng Nam bộ, tập đi dáng đi, học nhìn cách nhìn, thậm chí để tóc chờm tai rồi chải xuôi về sau giống như anh. Anh đã tạo cho thế hệ chúng tôi cảm hứng và khát vọng. Cái cảm hứng của lũ trẻ trâu ngoài cánh đồng hay bày trò chơi tập trận, giả định bắn súng, lái xe, đối thoại, bơi lội, đấu võ và cả hút thuốc, nâng ly… kiểu Nguyễn Thành Luân, để đêm về mơ có một ngày nào đó được vào miền Nam uống nước dừa; được biết thế nào là cocacola, là lái xe ô tô, là bắn súng “bách phát bách trúng” như thần tượng.
Cao hơn nữa, hình ảnh Đại tá Nguyễn Thành Luân đem đến cho thế hệ chúng tôi niềm tự hào về Tổ quốc, về niềm tin chiến thắng, về sự tỉnh táo, bình tĩnh, thông minh, can trường của một nhà tình báo mà sau này tôi mới biết là nguyên mẫu đại tá Phạm Ngọc Thảo. Điều đó được thể hiện trong lời thoại ở cuối tập 8 với ông Ngô Đình Nhu: “Với tôi cái lớn nhất là Tổ quốc, là lý tưởng mà tôi theo đuổi”.
Nguyễn Chánh Tín trong mỗi tập phim đều đem lại cảm xúc khó tả, đặc biệt ấn tượng ở phần giới thiệu phim: Anh mặc áo măng tô, đội mũ phớt, bước xuống xe, thong dong trong rừng cao su lá rơi lả tả, ung dung châm thuốc hút; đôi mắt xa xăm, cương nghị đầy bí ẩn trên nền nhạc độc quyền của “Ván bài lật ngửa”. Một Nguyễn Thành Luân - Nguyễn Chánh Tín hào hoa, lãng tử, thông minh - như cách nói của người miền Nam lúc ấy, là một “tài tử điện ảnh” mà ít ai có thể thay thế trong tâm trí thế hệ chúng tôi cho đến tận bây giờ.
Anh còn cho chúng tôi một niềm háo hức đến lạ kỳ mỗi khi có “áp phích” thông báo tối nay ở sân kho hợp tác xã chiếu phim “Ván bài lật ngửa” có Nguyễn Thành Luân do Nguyễn Chánh Tín thủ vai. Cái háo hức ngày ấy là mong sao thời gian trôi mau đến tối, rồi lại mong thời gian chậm lại để được ngồi hoặc đứng một chỗ ở sân kho, im lặng, căng mắt nhìn, lắng nghe từng lời thoại, nín thở, căng thẳng, rồi thở phào, hoan hỉ; được thấy một Nguyễn Thành Luân mưu trí, tài ba, dũng cảm, mạnh mẽ. Cái háo hức khó tả đến nỗi ngày nay dù khá giả hơn về vật chất nhưng tôi vẫn chưa tìm lại được trong cuộc sống tinh thần của mình.
Háo hức vì trong gần chục năm của thập niên 1980 mới được xem hết 8 tập phim. Tôi còn nhớ một lần tiễn anh trai lên bến xe về đơn vị trả phép năm 1983, anh cho tôi 10 đồng ăn quà, nhưng tôi đã nhịn ăn để mua một vé vào rạp ở thị trấn xem “Phát súng trên cao nguyên” tập 3 trong 8 tập của “Ván bài lật ngửa”… Và mới tuần trước thôi, một lần nữa (trong không biết bao nhiêu lần), tôi lại xem lại loạt phim này mà chưa khi nào thấy chán.
Cảm ơn tác giả kịch bản, cảm ơn đạo diễn; cảm ơn nhạc sĩ và các diễn viên khác trong “Ván bài lật ngửa”; đặc biệt cảm ơn nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín đã cho thế hệ chúng tôi được sống trong những tháng năm đầy ấn tượng đẹp và nhiều bài học quý.
Vì vậy không quá lời để nói rằng, anh là “ngôi sao” sáng nhất trong lòng người hâm mộ lúc ấy, bởi Nguyễn Chánh Tín sinh ra là để đóng vai Nguyễn Thành Luân.
Bởi lúc ấy “Nguyễn Chánh Tín sống để làm phim”!
…Và khi “Chánh Tín làm phim để sống”
Nhưng khi “Nguyễn Chánh Tín làm phim để sống” thì sự khắc nghiệt của thương trường lại đến với người nghệ sĩ tài hoa này một cách sòng phẳng.
Anh làm phim thị trường, và thị trường làm anh thất bại. Thất bại đến nỗi bước vào tuổi xế chiều gặp cảnh khốn khó vì vay nợ. Một thời gian dài lao đao, vất vả tới mức nhiều nghệ sĩ đã lên tiếng kêu gọi người hâm mộ ủng hộ cho Chánh Tín…
Vậy là thị trường cũng ác liệt không kém chiến trường. Giữa những cuộc đấu súng, đụng võ sinh tử; giữa lằn ranh của sự sống và cái chết; giữa sự săn lùng ráo riết của đối thủ; giữa những màn đấu trí căng thẳng trong phim… Anh đã “thắng”, đã thành công tới từng chi tiết với nhân vật “để đời” của mình.
Còn giữa những tính toán đầu vào - đầu ra; giữa vòng quay của đồng tiền trên thị trường điện ảnh thì anh đã thua, thua thật sự, thua trong nỗi xót xa của đồng nghiệp và người hâm mộ. Ngược hẳn với bàn thắng trong phim mà nhân vật Ngô Đình Nhu trong giờ phút chia ly đã phải thừa nhận với Nguyễn Thành Luân: "Anh đã thắng tôi trong ván bài mà mọi con bài đều lật ngửa. Anh nắm nhiều chủ bài hơn tôi”.
Giữa vòng xoáy thị trường không tiếng súng, Chánh Tín phải đối mặt với những đối thủ cạnh tranh không cân sức và họ đã “xóa” anh. Khác với những gì Ngô Đình Nhu nói với Nguyễn Thành Luân: “Ngay phút này, tôi vẫn có thể xóa anh, tuy nhiên tôi không làm việc đó”. Còn ở thị trường, đối thủ đã không để Nguyễn Chánh Tín tồn tại, bởi sức cạnh tranh của anh yếu hơn; bởi đó là quy luật, không giống trong phim khi Nguyễn Thành Luân đặt “Vòng hoa trước mộ” Ngô Đình Nhu với câu nói kết thúc 8 tập phim: "Dù sao tôi cũng đã mất đi một đối thủ tầm cỡ!"
Vậy là “Cơm áo không đùa với ngôi sao”; “Phim trường và thương trường không giống nhau”
Nhưng, Nguyễn Chánh Tín đã để lại cho đời một bài học nữa: “Không phải ai làm tốt, thậm chí rất tốt việc này cũng có thể làm tốt việc khác. Không phải ngôi sao điện ảnh, tài tử điện ảnh nào cũng có thể thành công trong kinh doanh điện ảnh”!
Để đến hôm nay, Chánh Tín nhẹ nhàng về với thế giới người hiền, không còn là “Quân cờ di động” trên phim trường và cả thị trường nữa.
Xin vĩnh biệt Anh. Vĩnh biệt một nghệ sĩ hào hoa, lịch thiệp đã để lại cho đời nhiều cảm xúc và bài học quý. Xin thắp một nén tâm nhang, cầu nguyện Anh được bình an nơi cực lạc./.
0 nhận xét:
Post a Comment