Nép mình trong khúc cong mềm mại của dòng sông Cầu thơ mộng, làng nhỏ Thổ Hà (Việt Yên, Bắc Giang) đã có nghề làm gốm ngót nghét 7 thế kỷ.
Hiện nay, nghề gốm ở Thổ đã gần như mai một, hầu như trong làng không còn ai làm gốm. Dấu tích về một làng nghề chỉ còn hiện hữu trong những con ngõ nhỏ rêu phong, những bức tường cổ được xây bằng những mảnh gốm, tiểu sành vốn là những sản phẩm lỗi được người dân tận dụng làm vật liệu xây dựng. Thế nhưng nằm sâu trong những con ngõ ấy vẫn có những người luôn mang trong mình sự đam mê và giấc mơ khôi phục lại làng nghề truyền thống. Bằng cách này hay cách khác, họ đều là những người đang lưu giữ hồn gốm cổ.
Nuối tiếc một thời vàng son
Trong “Kinh Bắc phong thổ ký diễn quốc sự” thời Lê có viết: “Mã Đông Hồ gấm thêu hoa quyện/ Cày làng Lê dựng nghiệp nông gia/ Chĩnh chum thời có Thổ Hà”.
Theo gia phả làng nghề và những mẫu hiện vật khảo cổ được tìm thấy, Thổ Hà là một trong những chiếc nôi của nghề gốm sứ. Với địa thế thuận lợi, nơi đây đã trở thành một thương cảng gốm tấp nập bậc nhất xứ Kinh Bắc, được nhiều người ưa chuộng trong và ngoài nước.
Ông Trịnh Quang Sơn, một vị “sư lò” của làng Thổ Hà. |
Ông Trịnh Quang Sơn – một vị “sư lò” của làng bồi hồi nhớ lại thời làng nghề thịnh vượng, với đôi bàn tay khéo léo và kỹ thuật độc đáo, người Thổ Hà làm nhiều sản phẩm với đa dạng hình dáng, kích cỡ. Đặc điểm phân biệt rõ nhất giữa gốm Thổ Hà với những loại gốm khác nằm ở chất men. Người Thổ Hà không dùng lớp men tráng bên ngoài mà với tài năng của những người thợ chuốt gốm và đốt lò, “thứ đất dẻo kỳ diệu” ấy được nung đến độ men tự chảy ra, bám trên bề mặt đồ gốm màu nâu cánh gián, da lươn bóng mượt, tiếng kêu đanh như thép, sờ vào mát lịm.
Từ những năm 1990 khi các mặt hàng kim loại và gốm sứ Trung Quốc giá rẻ bắt đầu xuất hiện và trở nên thông dụng. Các sản phẩm gốm Thổ Hà làm ra nhưng không tiêu thụ được. Đó cũng là thời điểm đặt dấu chấm hết cho gần 900 năm của nghề gốm Thổ Hà.
“Nhìn thấy nghề gốm mất đi là điều làm cho tôi rất tiếc vì xưa kia gia đình tôi, ông cha cụ kỵ của tôi giàu có nhờ làm nghề gốm, nhưng bây giờ vì điều kiện vật chất không cho phép nên dù nhớ tiếc nghề gốm, việc phục dựng lại nghề truyền thống của cha ông vô cùng khó khăn”, ông Sơn chia sẻ.
Chông gai hành trình giữ lửa nghề
Về Thổ Hà hôm nay, những phên bánh đa phơi kín đường làng ngõ xóm đã thay thế cho làng nghề gốm xưa kia.
Năm 2005, ông Trịnh Đắc Tân, người con sinh ra trong một gia đình có truyền thống 10 đời làm nghề gốm, đã quyết định mở một lò gốm nhằm khôi phục nghề cổ truyền, sản xuất các loại chum vại, chậu sành, tiểu sành, lọ hoa, tích, chén,…
Có chung một niềm đam mê với nghề gốm, anh Nguyễn Đăng Tập, con rể duy nhất của ông Tân, cũng cùng bố vợ lao tâm khổ tứ theo đuổi và gây dựng lại xưởng gốm, quyết tâm vực dậy nghề cổ truyền. Ngày bố vợ mất, anh Tập về ở hẳn trong nhà ông Tân và cũng là xưởng gốm nhỏ của gia đình. Bất chấp khó khăn chồng chất, trong suốt 15 năm qua lò gốm của gia đình anh Tập vẫn đỏ lửa, vẫn cho ra đời những sản phẩm gốm mang nét đặc trưng của Thổ Hà.
Anh Nguyễn Đăng Tập nỗ lực bền bỉ trong hành trình tìm lại nghề truyền thống của ông cha. |
Kể về những khó khăn khi làm nghề, anh Tập chia sẻ: “Hai bố con tôi bắt đầu làm nghề gốm từ lúc không có chút kỹ năng, kinh nghiệm nào nên những ngày đầu là quãng thời gian khó khăn nhất. Ngày đó, dù làm rất bài bản nhưng những mẻ gốm lần lượt ra đời đều bị bong tróc, không như ý. Do vậy, tôi đã phải nhờ tới sư lò và các cụ có kinh nghiệm làm gốm trong làng hướng dẫn”.
Sau chặng đường 15 năm gắn bó với nghề gốm, anh Tập đã tích lũy cho mình thêm nhiều kinh nghiệm và từ đó càng thêm trân trọng sự vất vả, niềm hạnh phúc mỗi khi cho ra đời một mẻ gốm chất lượng.
Những nỗ lực bền bỉ của anh Tập trong hành trình tìm lại nghề truyền thống của cha ông sẽ là bước khởi đầu cho sự hồi sinh của làng nghề đã từng vang bóng một thời. Anh Tập cũng như những người dân làng Thổ Hà ước mơ, nay mai thôi, gốm Thổ Hà lại được ưa chuộng, có mặt trong các gia đình Việt góp phần làm đẹp cuộc sống./.
0 nhận xét:
Post a Comment