Thông tin từ gia đình, nhạc sĩ Vũ Nhật Tân qua đời tối 21/7 tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội sau một thời gian chống chọi với bệnh ung thư trực tràng giai đoạn cuối, hưởng dương 50 tuổi.
|
Nhạc sĩ Vũ Nhật Tân. (Ảnh: Zing) |
Nhạc sĩ Vũ Nhật Tân sinh năm 1970 tại Hà Nội trong một gia đình có truyền thống âm nhạc. Cha anh là một nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống tên tuổi - PGS.TS Vũ Nhật Thăng.
Năm 1980, Vũ Nhật Tân học piano tại Nhạc viện Hà Nội. Từ 1981 đến 1995, anh học sáng tác và nghiên cứu âm nhạc với Phó Giáo sư Trần Trọng Hùng và lấy bằng Cử nhân âm nhạc tại Nhạc viện Hà Nội.
Anh từng tu nghiệp âm nhạc tại Đức (2000-2001), Mỹ (2002) và gặt hái nhiều thành tựu trong các sự kiện âm nhạc đương đại lớn ở châu Á, châu Âu, từng biểu diễn với các nghệ sĩ hàng đầu thế giới như nghệ sĩ người Mỹ đoạt giải Grammy - Peter Jacobson, nhạc trưởng đoạt giải Grammy - Jeff von der Schmidt .
Vũ Nhật Tân đã đoạt một số giải thưởng âm nhạc trong nước và quốc tế như: Giải 3 cuộc thi sáng tác cho nhạc cụ dân tộc năm 1992, Giải Nhất cuộc thi Saint - German-en Laye năm 1995 và nhiều giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Tác phẩm Đông muộn - Vũ Nhật Tân và Trần Xuân Hòa
Vũ Nhật Tân là một trong số ít nghệ sĩ tiên phong trong lĩnh vực âm nhạc đương đại, cùng một số bạn bè khác của anh như nghệ sĩ: SơnX, Trí Minh, Nguyễn Mạnh Hùng, Kim Ngọc… Anh có nhiều sáng tác, tiêu biểu như: "Hanoinoise" (Âm thanh Hà Nội), "Cõi vắng", "Đông muộn"…
Không chỉ là nhạc sĩ sáng tác, Vũ Nhật Tân còn là nhà soạn nhạc chuyên về nhạc giao hưởng, nhạc thính phòng, độc tấu nhạc cụ và soạn cho nhạc cụ truyền thống. Anh hoạt động như một nghệ sĩ đa phương tiện trong nhiều lĩnh vực có liên quan tới âm nhạc đương đại, đồng thời thực hiện các chuyến lưu diễn, trình diễn âm nhạc và âm thanh điện tử. Anh được ví là “phù thủy âm nhạc” với những cảm hứng sáng tác, trình diễn bất tận.
Những năm cuối đời, nhạc sĩ dành nhiều thời gian cho các chương trình biểu diễn âm nhạc truyền thống. Năm 2016, anh ra mắt tác phẩm "Cõi vắng". Tác phẩm là sự kết hợp vừa tương tác vừa ngẫu hứng của âm nhạc truyền thống và âm thanh đương đại./.
0 nhận xét:
Post a Comment