Là một trong những thể loại văn học đã được định danh với những tên tuổi đầy sức nặng của nhiều thế hệ như Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Hoàng Phủ Ngọc Tường, cũng như một số nhà văn khác, bút ký văn học là thể loại đòi hỏi người viết giàu cảm xúc, liên tưởng, có khả năng bình luận sắc sảo từng vấn đề đặt ra.
Có lẽ bất cứ một người viết bút ký văn học nào cũng mong mỏi câu chuyện và câu chữ của mình đong đầy trong cảm xúc của người thưởng thức. Một khi gây ra cảm giác hụt hẫng, thất vọng chứng tỏ rằng sáng tác ấy chưa đủ khơi gợi nhu cầu khám phá, tìm hiểu cũng như chưa thỏa mãn được kỳ vọng của công chúng, độc giả.
Lý do là hiện nay có một bộ phận người viết chưa có khả năng cân bằng, hòa quyện giữa tính thông tin, báo chí với tính văn học, nghệ thuật ngôn từ của tác phẩm bút ký. Điều ấy gây ra nhiều phiên bản chưa đến nơi đến chốn. Một là tác phẩm quá nặng tính thông tin, báo chí, nhiều số liệu dài dòng, khô khan. Hai là quá chải chuốt, văn vẻ, thiên về cảm nhận mà thiếu yếu tố thực tế, câu chuyện. Hệ quả thứ ba là cả thông tin và ngôn từ thể hiện đều chung chung, nhạt nhòa, thiếu điểm nhấn. Rõ ràng việc phân định cũng như hòa quyện thông tin, câu chuyện và ngôn từ nghệ thuật trong khi viết bút ký rất quan trọng.
Từ việc chỉ ra ranh giới giữa ký báo chí và ký văn học, nhà phê bình văn học Hỏa Diệu Thúy gọi tên những thao tác cần thiết để biến hóa thông tin thành câu chuyện giàu tính văn học: "Ký báo chí chỉ mang tính thông tấn, đưa tin nhưng nếu người có tố chất văn học, tổ chức tình tiết chi tiết tạo dấu ấn thì sẽ mang màu sắc văn học, có điểm nhấn, mang tính tư tưởng. Cùng một tin có người đưa hay, có người đưa dở, ranh giới mờ nhạt."
Vậy một bút ký văn học hoàn chỉnh phải mang trong mình những tố chất đặc biệt nào? Có phải viết văn xuôi thành công là có thể viết ký? Hay như thực tế cho thấy có những người chẳng thể sáng tác truyện ngắn, tiểu thuyết hay thơ, đành chọn một lối viết, một thể loại na ná bút ký văn học? Nếu như vậy khác gì coi bút ký là “lối thoát hiểm”, là chốn dung thân quá dễ dãi.
Qua cảm nhận về các bút ký văn học từng thấm thía, nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa lật giở sức lan tỏa, sự đồng vọng của những trang văn hội tụ đầy đủ tố chất thể loại: "Theo tôi một bút ký văn học thuyết phục người đọc phải giàu hàm lượng văn học, tích hợp trải nghiệm văn hóa, mang đến cho người đọc những thông tin mới mẻ bất ngờ, kích hoạt khoái cảm được đi, trải nghiệm thưởng lãm muôn màu cuộc sống"
Cũng như nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa, từ trải nghiệm đọc, nhà phê bình Hoàng Thụy Anh nhận ra và chắp nối các “đường dây” làm nên một phong cách viết Bút ký văn học ấn tượng: "Lúc đọc bút ký Nguyễn Tuân, sau này là Hoàng Phủ Ngọc Tường thì tôi thấy viết bút ký không dễ. Đòi hỏi sự tài hoa, uyên bác, đi nhiều, cọ xát nhiều, tính nghệ thuật thể hiện cao. Từ chỗ tư duy trực quan sinh động chuyển hóa thành tư duy trừu tượng. Để bút ký không chỉ là những cái nhìn thấy hàng ngày mà đưa vào tác phẩm phải quấn quyện trí tuệ, ngôn từ, cảm xúc. Ở Huế có cây bút trẻ Lê Vũ Trường Giang cũng viết ký khá tốt".
Cũng như các tiểu thuyết gia, nhà thơ và người viết truyện ngắn, những tác giả viết bút ký thành công đương nhiên cũng có một phong cách cá nhân độc đáo. Tạo dựng được dấu ấn trong lòng bạn đọc, công chúng là cả một quá trình tìm tòi và “tự nâng cấp” ngòi bút. Một khi đã làm được điều ấy, dấu ấn phong cách tác giả còn có phần đậm đặc hơn các thể loại văn học khác.
Từ thực tế khảo sát tình hình chất lượng tác phẩm ở Thanh Hóa, nhà phê bình Hỏa Diệu Thúy nêu dấu hiệu nhận biết một bút ký có khả năng lan tỏa trong đời sống văn học: "Thể loại ký đã mang lại tiếng cho một số nhà văn. Thí dụ như ở Thanh Hóa đã mang lại giải thưởng văn học cho Kiều Vượng, Nguyễn Văn Đệ. Nhưng mà ký chỉ mạnh khi có vấn đề, viết về những gì nổi lên như là gương điển hình, những tệ nạn, những vấn đề mang tính hot, viết phải gây ấn tượng gì đó mới có đất sống. Viết đều đều chẳng ai đọc".
Tình trạng đánh đồng bút ký văn học và báo chí là một thực trạng có thật đang tồn tại. Nhận rõ ranh giới tính chất để không ngừng đổi mới và hoàn thiện qua mỗi sáng tác, sớm muộn người viết bút ký cũng sẽ được ghi nhận, không cần thiết tới thao tác mượn danh thể loại.
Còn nếu như cứ đề bút ký văn học “đính kèm” dưới mỗi sáng tác nhưng nội dung lại chẳng thể hiện được đầy đủ bản chất của thể loại thì rốt cục chẳng có nghĩa lý gì./.
0 nhận xét:
Post a Comment