Tuesday, July 13, 2021

Kể chuyện làng: Người yêu thuở thò lò - Ảnh 1.

Dệt chiếu là một nghề truyền thống của làng nhưng nay còn rất ít gia đình duy trì. Ảnh: Trâm Oanh

Năm chị em tôi được bố, mẹ chọn cho những đứa bạn thật độc, lạ để ghép đôi cho. Nhưng mà khi lớn lên, điểm lại chẳng thấy người nào trong làng tôi thuận theo cái phần đã nhận sớm ấy.

Chị Cả được ghép cho anh Phấn con ông Bầu. Anh Phấn vừa bé nhỏ, vừa hen suyễn; anh yếu ớt lại hiền quá nên chị tôi đã không ưa lại còn thích bắt nạt anh. Bởi vậy, gặp anh là chị chọc ghẹo:

­- Phấn ơi, tớ không nói gì đâu nhé – Cạp.

Tiếng "cạp" chị nói thật nhanh ở cuối câu, ý nhại tiếng kêu của con Vịt Bầu, tức là réo gọi tên bố của anh Phấn.

Kể chuyện làng: Người yêu thuở thò lò - Ảnh 2.

Ao nhà bà Ngoại tác giả – ao bà Cả Lan là nơi trẻ con vẫy vùng những tháng hè. Ảnh: Trâm Oanh

Anh Phấn phần thì hiền, phần cũng thích chị nên không thấy có biểu hiện ghét bõ hay phản đối trò đùa dai của chị bao giờ. Mười bảy tuổi, chị tôi xuôi tàu đi kinh tế mới ở miền Nam, gác lại "mối tình" từ thuở thò lò cùng anh Phấn. Có lần tôi và chị cùng về quê, gặp lại một anh người làng, cũng là người cùng lứa với anh Phấn, giờ đã lên lão, anh kể chuyện ngày xưa mẹ anh vẫn "xúi" anh đến tán chị:

- Mày vào xóm mà hỏi cưới cái Nhẫn con nhà ông Đèn; con bé ấy đảm đang, "gánh cỏ giỏ cua".

Anh thích chị nhưng biết lượng sức mình nên giả bộ vùng vằng:

- Mẹ thích thì vào mà hỏi!

Kể chuyện làng: Người yêu thuở thò lò - Ảnh 3.

Cổng và lối ngõ đặc trưng của quê tôi. Ảnh: Trâm Oanh

Anh bảo, cũng may chị vào Sài Gòn, học rồi làm cán bộ, lấy chồng là sĩ quan công an, mới sáu mươi tuổi còn già thế này. Nhẫn lấy tôi, ở nhà làm nông, chắc giờ già ngang bà Nhạ đây! Bà Nhạ ngồi bên, nghe nhắc tên mình thì cười vui "hết cỡ anh thợ mộc". Hết cỡ thế nhưng tôi chỉ đếm được bà còn đúng một chiếc răng cửa.

Ra sao, tôi không tưởng tượng được chị ra sao nếu làm vợ của một anh trong làng. Mà nếu có cực khổ, già nua thì cũng chỉ già nhăn nheo, rụng răng là cùng chứ gì.

Mà già thì có gì phải sợ.

Anh Hai trắng trẻo, cao ráo đẹp trai, ánh mắt anh nhìn vừa tình cảm, vừa lẳng lơ lại được ghép đôi với chị Nhâm. Chị Nhâm con nhà nghèo, mồ côi mẹ từ nhỏ, sống với mẹ kế và bố. Quanh năm suốt tháng, da mặt chị đỏ gay còn bước đi lúc nào cũng tất tả như bị ai đuổi. Chị hiền lành, chăm chỉ, tốt bụng và sống lằng lặng như cam chịu, chấp nhận điều gì đó. Ba anh em nhỏ chúng tôi mỗi khi bị anh Hai bắt nạt là réo gọi tên chị như thể chị là nguyên nhân gây nên những bất bình, bực dọc cho chúng tôi. Chị Nhâm được ghép đôi với anh thì có vẻ ưng cái bụng lắm; anh Hai không thích chị nhưng cũng không tỏ thái độ gì, vậy nên chuyện đi chơi, đi học chung vẫn diễn ra bình thường, không như anh Ba.

Kể chuyện làng: Người yêu thuở thò lò - Ảnh 4.

Con trai và cháu cùng chơi vui trong ngôi nhà tuổi thơ, nơi có "mối tình thuở thò lò" của mẹ. Ảnh: Trâm Oanh

Anh Ba được ghép đôi với chị Tơ thành Sáng – Tơ; chúng tôi hay nói lái thành: Tí nữa Tớ Sang. Chị Tơ mang đầy đủ nét đặc trưng của người Giao Chỉ với dáng cao, lòng khòng, tay dài gần đến đầu gối; ngón chân dài, chõe ra nên hai bàn chân nhìn như hai nải chuối. Chị Tơ là người tốt tính, hiền lành, nhiệt tình với bạn bè và dù còn bé chị cũng bộc lộ rõ là người ham công tiếc việc. Anh Ba không đẹp trai bằng anh Hai nhưng giỏi quảng giao nên bạn bè đông đen; vậy mà anh không được ghép đôi với người trong mộng mà lại ghép với chị Tơ, người cao vượt hơn anh cả cái chỏm đầu. Đã vậy, nhà chị ngay đầu ngõ, ra đụng vào chạm nên anh chẳng thích thú gì với mối tình thò lò này. Vì vậy anh Ba hay kiếm chuyện với chị Tơ. Bù lại, chị Tơ cam chịu và mặc kệ anh tôi nên mối tình này cũng không gặp "sóng gió" gì.

Anh Tư mất từ lúc sáu tháng tuổi nên chưa kịp được ghép đôi.

Chị Năm có lẽ là người hạnh phúc nhất trong chuyện tình duyên thò lò vì chị được ghép với anh Ba trố ở gần nhà. Chi tôi xinh xắn, dịu dàng và nết na. Anh Ba có cặp mắt to, đen thô lố, tính tình hơi ngổ ngáo nhưng rất nam tính, vui nhộn và nhiệt tình với bạn bè; đặc biệt anh luôn nhịn nhường đám con gái. Anh quý mến, thân thiết và bảo vệ chị tôi mọi lúc, mọi nơi. Anh Ba học hành í ẹ nên được chị tôi bao bọc, giúp đỡ chuyện học ghê lắm. Tôi nghĩ nếu chị tôi vẫn ở lại làng thì chị đã thuận lòng thành vợ của anh Ba trố, hiển nhiên như mặt trời mọc đằng Đông. Hoặc như chị tôi có "thay lòng đổi dạ" mà phụ bạc anh, tôi tưởng tượng ra cảnh tối tối, anh Ba trố sẽ cầm gậy tre đực ngồi canh đầu ngõ thì đảm bảo kiểu gì chị tôi cũng rơi vào tay anh. 

Tôi út ít được chiều chuộng nên có da có thịt hơn cả, được ghép đôi với Long. Kể ra thì so với anh em trong nhà, tôi và Long có vẻ xứng đôi vừa lứa nhất. Long hơn tôi một tuổi nhưng học "nhuận" nên lại ngồi trong lớp mà tôi là lớp trưởng. Quả đúng là "oan hồn gặp nhau trong ngõ cụt". Long đẹp trai, nhanh nhẹn, vui vẻ, con nhà thuộc diện kha khá nhưng bị ghép đôi nên tôi ngại rồi sinh ra ghét hắn cay đắng, ghét cả gia đình hắn. Ghét nhất là mẹ hắn; là bởi gặp tôi là bà nhìn âu yếm, cười tủm tỉm; nếu có thêm người thứ ba, bà sẽ nhận "con dâu tôi đấy!".

Long cũng chả ưa gì tôi, một con nhóc mặt chẳng xinh, dáng lại cao nhẳng, tính tình đanh đá và hay thể hiện quyền lực. Chúng tôi không ưa nhau vậy nhưng cả nhà tôi vẫn gọi tên tôi là Oanh Long cũng như nhà hắn gọi tên hắn ngược lại là Long Oanh.

Kể chuyện làng: Người yêu thuở thò lò - Ảnh 5.

Cây đa làng, nơi chứng kiến nhiều lần mẹ của Long nhìn tôi, âm yếm nhận phần: "Con dâu của tôi đấy!". Ảnh: Trâm Oanh

Theo thời gian, chúng tôi lớn, biết xấu hổ trước người bạn khác giới thì việc gọi kèm tên đứa bạn ghép đôi cũng chấm dứt lúc nào không hay. Sau này, chị em tôi có "chất vấn" cha mẹ về cái nguyên tắc "nhận phần" bất thành văn ấy thì được giải thích, đơn giản vì cả làng, cả xã đều ghép đôi như thế nên gia đình mình cũng không ngoại lệ. Còn tại sao cả làng, cả xã ghép đôi cho con cái mình từ rất sớm, tôi nghĩ có thể do tư duy làng xã thời đó, cha mẹ luôn mong muốn con cái sớm yên bề gia thất, sinh con đẻ cái, tái tạo ra sức lao động nên việc ghép đôi cho con cái từ nhỏ, chẳng qua cũng thể hiện khát vọng sớm được lên ông, lên bà của các bậc làm cha, làm mẹ. Hoặc cũng có thể một phần nguyên nhân, ngày ấy thể thao, giải trí thiếu vắng, chuyện tìm ra một trò gì đó lạ lạ, hay hay, để mọi người chọc ghẹo nhau và mang đến chút niềm vui cũng là chuyện bình thường …    

Nhưng mà lớn lên, điểm lại chẳng thấy đứa trẻ nào của quê tôi thuận theo cái phần đã nhận sớm ấy. Không thuận nhưng tôi tin chắc, đứa trẻ nào cũng nhớ "người yêu thuở thò lò" của mình. Nhưng nỗi nhớ ấy không có cái da diết, cồn cào, thổn thức hay khổ đau của tình yêu đôi lứa. Bởi đó là nỗi nhớ thương, nhớ mẹ cha, nhớ anh em, bè bạn, nhớ về quê hương với những kỷ niệm của một thời nghèo khó.

Ba mươi năm sau ngày xa quê, một lần tôi nghe cuộc gọi từ số điện thoại lạ. Cuộc gọi từ Long. Long bảo ngày xưa bà đanh đá phát khiếp lại còn làm lớp trưởng của tôi. Ngày ấy, tôi chán ngán bà như bị bắt phải ăn món cơm nếp nhão cùng với thịt mỡ luộc; ăn trừ cơm trong suốt nhiều ngày liền mà bà làm như tôi ham bà không bằng.

Tôi vớt vát, tại cái tên nó ám vào người thôi. Chả mấy ai tên Oanh mà hiền lành đâu. Nhưng mà thôi, giờ tớ vẫn đanh đá thế, không thay đổi được, chỉ có điều bây giờ đanh đá nhưng có chặng dừng hơn thôi. Mà có tớ đanh đá, có khi tuổi thơ của cậu, của lũ nhóc chúng mình thêm hay.

Cho tớ xin lỗi về những ngốc nghếch, ngớ ngẩn ngày xưa nhé!

Đầu dây, nghe Long cười phà phà.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!

 

0 nhận xét:

Post a Comment