Tuesday, July 27, 2021

NSND Thái Bảo vừa chơi đàn ghi-ta, vừa hát "Vết chân tròn trên cát". Clip: VTV.

Chiến tranh đã lùi xa 46 năm, tiếng đạn bom và nỗi đau chia ly đã không còn nữa. Nhưng những kỷ niệm của ngày hôm qua, với người đã nằm xuống trên chiến trường, với người trở về từ mặt trận và với nỗi đau sớm chiều của những người mẹ - người vợ liệt sĩ thì dường như vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của nhiều người. Với NSND Thái Bảo – người từng nhiều lần được hát cho các chiến sĩ, bộ đội nghe trên chiến trường thì những ký ức đó không bao giờ có thể quên.

Chia sẻ với Dân Việt, nữ nghệ sĩ cho biết, vào đầu những năm 1984 - 1987, chị 3 lần được cùng đoàn đi phục vụ bộ đội và nhân dân ở các tỉnh biên giới phía Bắc như: Phong Thổ, Điện Biên (thuộc Lai Châu cũ) và Móng Cái (Quảng Ninh)... Khi đó, tiếng súng đã lắng xuống nhưng sự khốc liệt của chiến tranh vẫn còn ám ảnh.

Lần đầu tiên chị đi biểu diễn ở biên giới phía Bắc là năm 17 tuổi, khi đó chị đang học nhạc ở Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Chuyến đi đó, ngoài tư trang cá nhân, chị còn ôm theo một cây đàn ghi-ta gỗ. Bốn bài hát mà Thái Bảo biểu diễn nhiều nhất trong đợt lưu diễn đó là bài "Thành phố tình yêu và nỗi nhớ", "Vết chân tròn trên cát", "Mưa xuân" và "Mùa xuân bên cửa sổ". Bốn bài hát đó được các chiến sĩ rất yêu thích và đêm nào cũng yêu cầu chị hát.

NSND Thái Bảo nấc nghẹn khi kể kỷ niệm 20 chiến sĩ vượt 15km đường rừng tìm gặp giữa đêm khuya - Ảnh 2.
NSND Thái Bảo nấc nghẹn khi kể kỷ niệm 20 chiến sĩ vượt 15km đường rừng tìm gặp giữa đêm khuya - Ảnh 3.

Bức ảnh kỷ niệm của NSND Thái chụp trong một lần biểu diễn cho chiến sĩ, bộ đội ở biên giới phía Bắc. Ảnh" NVCC.

NSND Thái Bảo nhớ rất rõ, sân khấu lúc đó là mặt đất bùn nhão nhoét, không có ánh đèn chiếu sáng, không có micro… Ca sĩ bước lên hát mộc với cây đàn ghi-ta mang theo. Nhiều lần, hát xong thì chân bị lún xuống bùn sâu khoảng 20cm, không thể nhức nổi chân ra khỏi để đi vào bên trong.

"Có một kỷ niệm mà từ đó đến nay, đã 40 năm trôi qua, nhưng tôi vẫn chưa bao giờ quên được. Hôm đó, khi diễn xong thì trời mưa lất phất, ô tô quân đội chở tôi về lán trại dựng bằng tranh tre để nghỉ ngơi. Khoảng 1 giờ sáng, khi tôi đang vùi sâu trong giấc ngủ thì nghe thấy tiếng đập cửa liên hồi. Tôi ra mở cửa thì thấy một đoàn các anh bộ đội đứng xếp thành hàng dài, chừng khoảng 20 người. 

Đứng trước mặt tôi là một anh thương binh. Tôi liền hỏi: "Dạ thưa, các anh đến đây có việc gì ạ?", các anh liền bảo: "Các anh đã nghe em hát "Vết chân tròn trên cát" vào chiều tối nay. Bọn anh đã hỏi chỉ huy là em ở đâu và đi bộ gần 15km để đến gặp em. Anh chỉ xin em một lần nữa hát lại cho bọn anh nghe bài "Vết chân tròn trên cát".

Nghe thấy thế, tôi liền vội vào lấy cây đàn ghi-ta đứng luôn ở cửa mà hát. Tôi hát xong thì anh thương binh đó lại bảo: "Anh muốn được nhìn thấy dòng chữ của em, của người con gái hậu phương. Em có thể viết lại cho bọn anh lời bài hát "Vết chân tròn trên cát" được không?".

Tôi lại vội vàng lấy giấy bút ra, tì vào lưng của anh để chép lại lời bài hát. Khi tôi viết xong, các anh chào tôi rồi theo hiệu lệnh quân đội quay đi theo hàng dọc. Tôi nhìn theo bóng các anh khuất xa dần trong bóng và chỉ biết đứng một chỗ mà khóc. Tôi biết, giờ đây, khi ngồi kể lại câu chuyện này, nhiều anh đã đi xa. Tôi rất mong, những ai còn sống thì hãy nhớ về kỷ niệm đẹp ngày hôm ấy", NSND Thái Bảo nghẹn ngào.

NSND Thái Bảo luôn dâng trào cảm xúc khi hát về chiến tranh, về thương binh - liệt sĩ

NSND Thái Bảo thể hiện "Màu hoa đỏ". Clip: Thái Bảo.

Nữ nghệ sĩ sinh 1964 cũng kể thêm rằng, những chuyến lưu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân thời đó rất gian khổ. Toàn phải đi đường dài, ăn sương, ngủ đất, đói và rét thấu xương. Sân khấu không đèn, không micro... nhưng hát cả chục bài vẫn muốn hát thêm vì người nghe rất say mê. Quần áo có đúng một mặc suốt cả chuyến đi, cứ giặt phơi khô rồi lại mặc tiếp. Trước giờ diễn bôi bôi quẹt quẹt, miễn là mắt đen sì và đôi môi cứ đỏ chót là được.

"Đêm đi diễn về được các anh bộ đội nấu cho một nồi cháo gà to như cái thùng phi là điều xa xỉ. Trèo đèo lội suối rét buốt với những đêm mưa rừng rả rích. Hôm nào được các anh bộ đội đón bằng ô tô com-mang-ca là khấp khởi. Trẻ nhất đoàn nên các cô các chú rất thương. Có hai đêm tôi được nằm cùng giường với cố thi sĩ Xuân Quỳnh. Ai cũng sợ ma nên cô Quỳnh đọc thơ và kể chuyện để không còn sợ ma nữa. Ngày đó được song hành cùng những ngôi sao lớn là điều hãnh diện và thật hạnh phúc với tôi", NSND Thái Bảo kể thêm.

0 nhận xét:

Post a Comment