Lê Hương Huệ được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất anh hùng và những điệu hò sông Mã. Tuổi thơ của cô ngập tràn những giai điệu âm nhạc khiến cô say mê và yêu thích ca hát từ đó.
Lê Hương Huệ lần đầu tiên tự tin thể hiện giọng hát ở chỗ mẹ cô làm và đã nhận được sự cổ vũ của các cô, các chú. Khi lớn hơn, cô tham gia tất cả các hoạt động văn nghệ của trường.
Biết mình đã say mê và trót yêu âm nhạc nhưng khi bắt đầu sự nghiệp nghệ thuật, Huệ lại chọn việc học từ cử nhân tới thạc sĩ, tiến sĩ và sau đó ra làm công việc công chức tại Đại học Quốc gia Việt Nam. Dù vậy, niềm đam âm nhạc trong cô chưa bao giờ nguôi. Vì vậy, cô đã tham gia cuộc thi Tiếng hát Việt Nam - ASEAN tổ chức tại Thủ đô Vientiane Lào và giành giải nhì với ca khúc "Làng Quan họ quê tôi" và "Đôi mắt đò ngang" của cố nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo.
Cô cũng đã giành được huy chương Bạc "Liên hoan tôi yêu tiếng nước tôi toàn thế giới lần thứ nhất" tại Praha (Cộng hòa Séc) năm 2018.
Thời điểm này, Huệ đã được NSƯT Hà Thủy dạy dỗ, đồng thời cô cũng là học trò của NSND Thanh Hoa và được nữ nghệ sĩ khen có chất giọng hát hay bẩm sinh.
Theo ca sĩ Lê Hương Huệ, cả hai người thầy mà cô rất trân quý ấy đã bồi dưỡng cho cô những kiến thức căn bản của thanh nhạc. Điều này đã giúp cô có đủ tự tin xử lý các bài hát, kể cả những ca khúc tương đối khó hát.
Điều hay nhất và đặc biệt nhất trong giọng hát của Lê Hương Huệ đó là chất ngọt ngào và rất tình. Chất ngọt và tình ấy tuôn chảy tự nhiên mỗi khi cô cất tiếng hát chứ không phải dùng các kỹ năng hay "tiểu xảo" mà có.
Đã vậy, Lê Hương Huệ có màu giọng đậm chất dân ca Bắc Bộ mà chỉ cần "mở miệng" ra đã ra chất dân ca, không cần phải gò ép khiên cưỡng. Cảm xúc của cô khi hát cũng rất chân thành, mộc mạc, tự nhiên nên rất dễ đi vào lòng người. Chính vì thế, đã có rất nhiều ca sĩ ở dòng nhạc này, với cách hát này và "e" giọng như thế này, nhưng nghe Lê Hương Huệ hát khán giả vẫn thấy cảm xúc, vẫn thấy thích thú muốn nghe mà không có cảm giác nhàm chán, quen tai.
Cũng biết mình không hát quá tệ, cộng với niềm đam mê, yêu âm nhạc nên Lê Hương Huệ đã ấp ủ dự án âm nhạc về ngày Thương binh - Liệt sĩ. Cô muốn làm một sản phẩm âm nhạc về ngày này để như một món quà, một sự tri ân tới những người con xứ Thanh Hóa đã hy sinh trong các cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc nói riêng và các anh hùng, liệt sĩ nói chung trên cả nước.
Lê Hương Huệ tâm sự: "Đã từ lâu, tôi ước mơ làm một CD về người lính, bởi với tôi, những người lính đã in đậm trong tâm trí tôi về sự dũng cảm, anh hùng, kiên cường, bất khuất trong sự nghiệp giải phóng cũng như bảo vệ Tổ quốc. Khi hát về người lính, tôi luôn tràn đầy cảm xúc, đó là sự ngưỡng mộ và lòng biết ơn của mình đối với công lao mà các thế hệ người lính đã hy sinh vì Tổ quốc".
Với 11 ca khúc quen thuộc đã đi cùng năm tháng và in sâu trong tâm hồn người nghe hàng chục năm qua như: "Chiều biên giới (Vũ Hiệp Bình), "Mùa xuân" (Phạm Minh Tuấn), "Em vẫn đợi anh về" (Hoàng Hiệp), "Anh ở đầu sông em cuối song" (Phan Huỳnh Điểu)… Album "Tình ca người lính" thêm một lần khắc họa tình yêu, sự trân trọng và biết ơn của người dân Việt Nam đối với sự hy sinh của những người lính qua bao thế hệ đã dâng tuổi thanh xuân của mình trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Các ca khúc này được nhạc sĩ Vũ Trọng Phương hòa âm phối khí. Đặc biệt, trong CD này, có sự tham gia của ca sĩ Tôn Sơn với vai trò "khách mời". Tôn Sơn và Lê Hương Huệ song ca bài "Anh ở đầu sông em cuối sông" (Phan Huỳnh Điểu) và "Chiều biên giới" (Vũ Hiệp Bình). Cùng cách hát giản dị và mộc mạc nhưng lại rất "tình", Tôn Sơn và Lê Hương Huệ đã thể hiện rất ngọt ngào và cảm xúc hai ca khúc này và được đánh giá như điểm nhấn của Album "Tình ca người lính".
0 nhận xét:
Post a Comment