Friday, August 20, 2021

Đọc sách cùng bạn: Thắc mắc của nhà văn - Ảnh 1.

"Vụ án tiến sĩ Nguyễn Văn Sang là một trong những vụ thời bao cấp mà dân Thái Nguyên khó quên. Anh tiến sĩ này một mình nuôi con, túng quá, liều buôn chè từ Đại Từ về thành phố, khi đi có giắt theo khẩu súng ngắn loại thể thao. Khẩu súng là quà lưu niệm của các thành viên trong câu lạc bộ bắn súng nghiệp dư tặng cho Sang hồi còn đang học bên Liên Xô. Thời ấy, mỗi người không được vận chuyển quá hai cân chè, tiến sĩ Sang lại mang những bốn cân nên bị tổ công tác lưu động liên ngành phát hiện, truy đuổi. Tiến sĩ Sang đã rút khẩu súng thể thao bắn về phía sau để tẩu thoát. Phát súng vẩy bừa, như lời khai sau này của anh ta, lại trúng thùy trán một kiểm soát quân sự. Sau cả đêm lặn lội băng rừng, tiến sĩ Sang mò về được thành phố thì bị công an đón lõng bắt ngay tại cổng nhà. Công đoạn điều tra, xét xử được thực hiện khá nhanh, chỉ gói gọn trong có hơn một tháng là xong." (tr. 79)

Chán nhất đọc sách mà kể lại truyện trong sách. Càng chán hơn cho người đọc sách trong trường hợp này vì đây là tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương. Ấy vậy mà đoạn tóm tắt ở trên là của chính tác giả đấy. Nó mở đầu cho phần hai cuốn tiểu thuyết, sau khi vụ xử bắn nhân vật Sang trôi qua đã lâu.

Vậy là Nguyễn Bình Phương viết tiểu thuyết từ một vụ án. Từ chứ không phải về. Từ vụ án anh viết về người bị án. Từ người bị án anh nói về một con người. Một con người giờ chỉ còn là "một hình cắt dán chơi vơi, không nguồn gốc, không lý lịch" bị dán vào một địa danh tỉnh và một địa danh nước. Con người đó, kẻ tử tù đó, là một người dân của tỉnh đó, nước đó. Cuốn tiểu thuyết bắt đầu từ hình dung địa dư thế này:

"Về hình dáng, nước Việt Nam trông giống như một người nhìn nghiêng, với cái đầu quá cỡ, đang say mê ưỡn bụng đứng đái ra biển Đông để đánh dấu chủ quyền.

Trên cái đầu quá cỡ, gồm toàn bộ miền Bắc lồ chồ hóc hiểm ấy, thì tỉnh Bắc Thái cũ là cái tai xoắn vành mộc nhĩ, và thành phố Thái Nguyên chính là giếng lỗ tai nhạy cảm thăm thẳm".

Mở đầu thế đã thấy là ghê gớm. Chuyện một tử tù mà thành chuyện một quốc gia chứ không phải bỡn. Từ cái lỗ tai thăm thẳm chứa đựng vô vàn câu chuyện đó lọt ra một câu chuyện trong tiểu thuyết này. Phần thứ nhất là truyện kể về Sang của người kể truyện, nhân vật chính, với câu mở đầu vào truyện "Năm ấy, thành phố lại rùng rùng biến loạn bởi vàng" và Sang từ bãi vàng về xuất hiện ở nhà của vợ chồng Uyên, cô bạn cùng học hồi nhỏ ở quê. Tung tích nhân vật được hé lộ một phần cho đến khi anh bị tổ công tác lưu động chặn bắt trên đường mang chè đi bán. Ở phần này có ba đoạn độc thoại của ba nhân vật, trong đó có lời Sang thầm nói chuyện với con trai khi chuẩn bị rời chỗ trốn trong rừng về thành phố (tr. 56-64). Đoạn độc thoại đó là cách kể lại một quãng đời của Sang.

MỘT VÍ DỤ XOÀNG

Tác giả: Nguyễn Bình Phương

Tao Đàn & Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2021

Số trang: 203 (khổ 14x20,5cm)

Số lượng: 1000

Giá bán: 150.000

Phần thứ hai là truyện nghe từ những file ghi âm lời kể của những người liên quan đến Sang sau khi án tử đã được thi hành nhiều năm do một người được gọi bằng đại từ "Khách" gặp gỡ ghi lại. Nhân vật hiện ra đầy đủ, cụ thể từ các file kể này. Người đọc dễ nhận ra "Khách" là người con trai của Sang đang đi làm cái việc như "điều tra" về cái chết của bố mình. Nhưng để cho con trai nhân vật ở vai "Khách" và dùng những file ghi âm của "Khách" lại là một thủ pháp nghệ thuật của Nguyễn Bình Phương để trong dung lượng một tiểu thuyết hai trăm trang nói được nhiều chuyện.

Mỗi người được "Khách" tìm gặp không chỉ nói và kể những gì liên quan đến người đã khuất để cho người con từ nhiều góc nhìn khác nhau biết và hiểu về bố mình đã sống và chết thế nào, là con người thế nào, vụ án đúng sai thế nào. Những lời kể đó là lời chứng về một con người, một số phận, từ những cái nhìn cá nhân khác nhau. Nhưng hơn thế mỗi người đó còn tự nói về họ, tự kể về cuộc đời và số phận họ, đưa ra cái nhìn của họ về nhân sinh. Việc "Khách" tìm đến họ, nghe những câu chuyện dắt dây của họ, và cả chính cuộc sống của vợ chồng "Khách", tất cả đan thành một bức tranh xã hội hiện thời. Như chi tiết hồ sơ lý lịch của Sang ở trường đại học bị nước lụt ngâm xóa sạch không khôi phục lại được thế là một con người bỗng nhiên bị thuộc về "thành phần mất gốc" (tr. 169).

Chỉ riêng với Uyên thôi, nhân vật gắn với Sang nhất trong truyện, thì kéo theo Uyên là Chính (bố chồng, Phó chủ tịch thành phố), Vân (chị em dâu), Quyết (em họ chồng), cả một gia đình với những câu chuyện trong bóng tối, nhất là của ông Chính. Họ đều là nhân chứng của "Khách" không chỉ nói về Sang mà còn về môi trường, hoàn cảnh trong đó Sang sống. Nhưng "Khách" còn gặp nhiều người nữa: bạn thuở ấu thơ và các đồng nghiệp của Sang, những người tham dự cuộc xử bắn (người dẫn tù, người phu huyệt, người bắn…), cả ông bán nước chè và một người công nhân vô danh tình cờ có mặt tại cuộc bắn.

Và người cuối cùng "Khách" gặp là vị Chánh án Tòa án Tối cao, chủ tọa phiên tòa xử bố mình ngày trước. Ngay bức tranh treo tường nhà ông ta đã khiến "Khách" phải nghĩ ngợi liên hệ. "Tranh vẽ một ngọn núi bị kép giữa hai cái cây đứng hai bên với một đốm đỏ gợi ý cho mặt trời. Bức tranh vẽ một con lợn béo tốt đang ăn lá khoai môn ở nhà người công nhân mỏ than núi Hồng cũng có một đốm đỏ gợi đến mặt trời như bức tranh này." (tr. 181)

Đến những câu nói của vị này thì người đọc phải rùng mình sợ hãi vì ông ta và bộ máy ông ta đang làm việc và vận hành. Đối với ông ta và bộ máy của ông ta, một mạng người chết như Sang là chỉ là chuyện nhí nhố, không đáng kể, không đáng nói đến, "vì cậu ta chẳng có lý lịch nào cho ra hồn". Câu chuyện ông ta kể về cái lọ gốm cũng nhằm ý ấy. Rốt cuộc vị Chánh án Tòa án Tối cao kết luận với "Khách": "Nếu mỗi người là một ví dụ, thì cậu ấy là cái ví dụ xoàng, hết sức xoàng" (tr. 188). Cái tên tiểu thuyết là ẩn trong câu nói này của vị quan này.

Thế là tôi lại kể truyện của sách rồi, chán thật. Kể theo sự triển khai câu chuyện vụ án đã được tác giả nói thẳng ra. Nhưng đấy là tôi kể, còn nhà văn thì viết. Mà muốn biết tác giả viết thế nào thì bạn phải đọc sách để xem vụ án là thế đấy, nhưng nhà văn đã khai thác và viết ra sao. Nguyễn Bình Phương không viết truyện hình sự mà viết tiểu thuyết về thân phận con người. Bởi thế nếu đọc truyện cốt để biết truyện thì không cần đọc chỉ cần nghe kể thế là xong. Cái chính đọc văn chương là đọc cái viết của tác giả.

Mà văn Nguyễn Bình Phương ở cuốn mới này vẫn làm người đọc thấy rung ở từng đoạn tả cái cây quéo, tả trận mưa dữ dội hôm bắn Sang. Phải, trận mưa trắng xóa trời đất cứ như muốn tẩy rửa một tội lỗi nào đó lớn lắm, oan khốc lắm đối với một con người mà khi gấp sách rồi vẫn còn nghe dội mạnh. Bạn cũng sẽ gặp lại cách sử dụng chi tiết có tính ám ảnh quả báo thường có trong văn Nguyễn Bình Phương ở chi tiết đôi mắt của người nhân viên kiểm lâm bị ông Chính dùng cành cây khô chọc nát trong rừng sẽ ám vào đôi mắt của Bằng con trai ông sau này. Và ba tiếng ông Chính cứ thốt ra "Nhân quả đấy". Cả chi tiết "cái cục vàng hình thù khá lạ, nó giống như một quả đu đủ có hai vết sâu đục cân đối, nhưng lại không thõng sang bên kia cho nên nhìn hai cái vết lõm trên cục vàng cứ thăm thẳm" (tr. 32) xuất hiện mấy lần liên quan đến ông Chính và Sang cũng vậy.

Ở tiểu thuyết này của Nguyễn Bình Phương có các đoạn thơ xen vào các đoạn truyện. Chúng vừa có tính tự sự giúp phục hiện một vài chi tiết trong cuộc đời nhân vật lại vừa có tính trữ tình diễn tả tâm trạng, tình cảm. Cũng có khi các đoạn thơ là lời bình luận, cảm thán của người kể chuyện. Thái độ của tác giả đối với nhân vật cũng bộc lộ qua các đoạn thơ đó, chúng buồn da diết cho số phận mong manh của một con người bình thường trong cuộc đời này. Một người tốt mà không sống được và không được sống. Mạng người của họ là vớ vẩn, chả có giá trị gì, trong tay kẻ khác nắm sinh mệnh họ.

Thì đó là một ví dụ xoàng. Người chết đã chết, chuyện qua đã lâu, còn bới ra làm gì. "Nhà nào cũng có một cái hố xí, người nào rồi cũng có một bãi cứt trong lòng, lọ mọ bới ra làm gì cho nó bốc mùi hả con" (tr. 116). Thường tình là thế. Nhưng nhà văn thì không thế. Nhà văn là người "chỉ giỏi thắc mắc" trước các chuyện đời chứ không phải là người đưa ra câu trả lời cho các vấn đề cuộc sống (tr. 134). Cho nên một con người chết đi oan uổng không thể là một ví dụ xoàng được. Tiểu thuyết "Một ví dụ xoàng" chính là một thắc mắc của nhà văn Nguyễn Bình Phương. Thắc mắc vì sao Sang chết để dẫn dắt khéo léo người đọc biết ai là thủ phạm cái chết của Sang, từ thủ phạm cụ thể đó thắc mắc càng lớn hơn, vì thủ phạm vô hình thực sự là ai.  

Và vì thế như sự hô ứng trong cách viết, hình tượng người đái ở đầu sách trở lại ở cuối sách. Chỉ khác đầu sách là hình dáng đất nước "giống như một người nhìn nghiêng với cái đầu quá cỡ, đang say mê ưỡn bụng đứng đái ra biển Đông để đánh dấu chủ quyền", còn cuối sách là chiều cuối năm "giống như một người vô danh khổng lồ vừa đái xong, giờ khoan khoái, thư thả bó gối ngồi ngắm biển của mình". Ngẫm sự đái này sau khi đọc xong sách lại giật mình.

"Một ví dụ xoàng" thêm một tác phẩm đáng đọc của Nguyễn Bình Phương vào danh sách nhiều tiểu thuyết của anh từ trước như "Vào cõi" (1991), "Những đứa trẻ chết già" (1994), "Người đi vắng" (1999), "Trí nhớ suy tàn" (2000), "Thoạt kỳ thủy" (2004), "Mình và họ" (2014), "Kể xong rồi đi" (2017)…

Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác!

Hà Nội 20/8/2021

0 nhận xét:

Post a Comment