Giúp nhau mùa dịch
Chung cư tôi ở là một chung cư nhỏ, chỉ có một block nhà với khoảng hơn trăm hộ dân.
Từ hôm mấy cô gái trẻ ở chung cư lập ra một group Zalo "Giúp nhau mùa dịch", mỗi lần mở ra xôm tụ hàng hóa như… một siêu thị mini. Đầy đủ sản vật, từ mua giùm đậu hũ, trứng, thịt, bánh các loại... cho đến mua giúp cả thuốc tây luôn.
Thật ra, đã có một group của cư dân, là nơi trao đổi, thông tin, phản ánh những công việc chung của chung cư, thảo luận những vấn đề về chính sách chung…
Giãn cách, nhiều người hỏi han tình hình chợ, siêu thị, nhờ mua thứ này, thứ kia… Sợ trôi bài trên nhóm chính, một cô lập ra nhóm riêng, đa phần là các "bà tám" tha hồ mua bán, trao đổi kinh nghiệm gia đình như: chăm sóc con, cách nấu món này, món kia… rất dễ thương, cảm thấy gần gũi, gắn bó nhau trong mùa dịch dù chẳng ai gặp mặt ai.
Người mua được món gì ngon liền chia sẻ thông tin. Có một cô hay mua đậu hũ giùm mọi người. Hôm nào đi mua, cô nhắn vào group rồi mọi người đăng ký. Đa phần là các cô gái trẻ, có trình độ nên cách làm việc khá khoa học, cô kẻ bảng ra giấy, cột, số thứ tự, tên người, căn hộ, mua bao nhiêu, tiền… Mua về cô chia ra từng bịch, bỏ vào mảnh giấy số căn hộ, cô để trên một cái bàn nhỏ trước nhà rồi nhắn mọi người đến lấy, chuẩn bị đúng số tiền, bỏ tiền vào một cái xô nhỏ bên cạnh. Không ai tiếp xúc gần với ai.
Một hôm, tôi "kiểm kê" tủ lạnh thấy còn trái xoài xanh Đài Loan, hũ cá cơm tẩm gia vị sấy giòn chưa khui, hành phi, tía tô có sẵn mà thiếu đậu phộng để làm dĩa gỏi xoài. Tôi nhắn vô group: "Ai có đậu phộng hạt cho mình một ít thôi". Chưa tới một nốt nhạc có ngay câu trả lời: "Em ở 19 B2 chị nha, em treo chỗ tay nắm cửa chị lấy nha". Lúc tôi lên đã thấy bên ngoài cánh cửa đóng có túm đậu phộng treo sẵn. Không bao nhiêu, quý ở tấm lòng nên thấy vui ghê.
Mọi người rảnh rang ở nhà nên thảo luận sôi nổi lắm. Tôi đọc một loạt tin của họ cũng biết thêm được vài món. Ví dụ như, một món ăn sáng rất đơn giản mà ngon của cô đậu hũ là đậu trắng đem chiên, sau đó đổ vào trứng đã đánh nêm nếm vừa ăn, ngon hơn bột chiên, các con cô rất thích...
Nhìn rộng ra ngoài xã hội, dễ dàng thấy được vô vàn những chia sẻ về bữa ăn mùa dịch cho người nghèo, vô gia cư hay cho các khu phong tỏa. Tôi biết sức mình không thể nào làm được như những em tình nguyện viên trẻ nên chỉ biết thỉnh thoảng ủng hộ đôi chút cho những nơi nào cần thiết. Trong cơn hoạn nạn này mới thấy hết tấm lòng người với người. Mới thấu hiểu tinh thần lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều.
"Đó là những sáng thức dậy thấy nơi mình ở vẫn còn bình an. Hoa vẫn nở trong nắng sớm, có tiếng chim ríu rít gọi bầy. Một con chim sẻ ở đâu vào cành sứ trong chậu rồi vút cánh bay thật nhanh. Tôi cảm thấy mình may mắn như nhận được ân sủng trời ban vì bên ngoài kia, bao nhiêu gia đình đang rơi vào lo âu vì có ca nhiễm, các bác sĩ, nhân viên y tế, những người đang gồng mình ở tuyến đầu..."
Bài học cảm xúc
Sống trong trận dịch này tôi thấy mình học được nhiều bài học cho dù trên đầu đã hai thứ tóc. Là những lúc ngồi lựa từng cọng rau xanh, phân vân nên bỏ hay giữ lại khi nó chưa héo úa lắm mà lúc bình thường thẳng tay quẳng qua một bên không suy nghĩ.
Là đứng trước tủ lạnh tính toán hôm nay lấy ra thứ gì để chế biến. Nhìn những hộp thịt, cá đã sơ chế có khi bùi ngùi nhớ lại hôm ấy mua miếng thịt này khó khăn thế nào, xếp hàng chờ đợi ra sao… Rồi áy náy nghĩ đến những gia đình không có cơ hội phân vân.
Là những ngày con cái làm việc ở nhà thật nghiêm túc. Không gian yên ắng, tiếng gõ bàn phím lách tách, thỉnh thoảng có tiếng nói chuyện điện thoại nho nhỏ. Tôi "thất nghiệp" ra vào nhìn ngang ngó dọc, ngắm chậu cây, chỉnh cái bình hoa, xếp cuốn sách vào tủ…
Là những ngày buộc phải ngồi với cuốn sách trên tay khi con thông báo hôm ấy họp trực tuyến. Cứ sợ mình vô ý gây nên tiếng động ảnh hưởng đến cuộc họp của con. Hay có hôm đi qua lại rồi mới hoảng hồn khi thấy con đang video call với sếp nói về một mẫu sản phẩm mà cậu đang thiết kế. Băn khoăn không biết biết bên kia có thấy bộ dạng lom khom của mình hay không, rồi phì cười!
Là những lúc con giải lao, đứng lên rời khỏi máy vi tính hỏi mẹ có gì ăn không? Cả nhà trao đổi vài câu chuyện thường là tiếu lâm gây cười, khiến tôi nhớ những ngày còn đi làm việc lúc giải lao, hai ba người bày ra nhấm nháp thứ này thứ kia, thật vui.
Là cậu con trai 25 tuổi, chưa bao giờ ăn hạt mít, lúng túng không biết lột cái lớp vỏ cứng mỏng bên ngoài thế nào. Trước đó, cậu đã ngạc nhiên khi thấy mẹ để dành lại hạt mít và đem luộc. Tôi giải thích với con, bởi ngày xưa nhà mình không ai chịu ăn nên mẹ bỏ hết. Giờ để dành buồn miệng lúc giải lao có cái để ăn cũng hay hay. Rồi sau đó, với tâm trạng người mẹ tôi thật sự hạnh phúc khi nghe cậu con trai gật gù cái đầu: "Hạt mít ăn có lý ghê".
Là những ngày tôi để sẵn rổ đậu phộng luộc trên bàn, con gái thích ăn vặt vừa làm vừa bóc đậu phộng, thỉnh thoảng nói câu nghe vui: "Đậu phộng chắc hạt ngon đó mẹ".
Là có những ngày mà trong bữa cơm toàn nói về chuyện dịch bệnh, với những nét lo âu không thể giấu nhưng ai nấy đều hiểu phải cố nén những cảm xúc này lại.
Là có những ngày mùi nước lá tía tô tôi nấu để uống tỏa thơm khắp nhà, tôi thèm một cuốn nem nướng Nha Trang. Con trai thèm tô phở, đứng lên rời khỏi máy vi tính, đi qua đi lại trong nhà rồi buột miệng nói: "Nhớ Nha Trang ghê, mùa này đi bơi đã lắm!". Con gái thì bảo, lúc này mà có dĩa bánh căn trứng cút thì tuyệt vời! Toàn là những thứ quá xa xỉ trong mùa dịch...
Là có ngày con trai bị mũi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 "hành" sốt, mỏi khắp người. Cậu nhìn tôi đang ngồi nhặt rau, nói giọng "ghen tị": "Sao mẹ sướng vậy, tiêm xong không bị gì hết". Cô chị nói: "Tùy cơ địa mỗi người, hôm trước chị tiêm xong cũng sốt nhưng không như em. Cố chịu một chút, mai sẽ hết". Tôi khó thể quên nét mặt vui mừng hớn hở của con trai sáng hôm sau: "Khỏe rồi, mẹ". Lại thầm cầu mong sao cho tất cả mọi người được tiêm phòng, có đề kháng cùng nhau vượt qua đại dịch.
Đi qua những cảm xúc, mới thấy cần phải biết chắt chiu những hạnh phúc nhỏ nhoi quý báu lúc này mà không phải ai cũng có được như mình.
Nhật ký giãn cách: Những ngày đang sống – nơi đăng tải những câu chuyện, những suy nghĩ, những cảm xúc của mỗi người về những ngày đang sống giữa đại dịch Covid-19. Thư xin gửi về: camthuydv.ntnn@gmail.com
0 nhận xét:
Post a Comment