Sunday, October 10, 2021

Đóng giang hồ tốt nhất nên chọn diễn viên là… "giang hồ"

Giang hồ trên màn ảnh - Họ là ai? - Ảnh 1.

"Với các bộ phim cần tới những vai diễn giang hồ, tốt nhất là sử dụng luôn các diễn viên đã từng trải qua chuyện giang hồ ngoài đời thật", nhà sản xuất phim Nam Mỹ chia sẻ với Dân Việt. Ảnh: NVCC)

Là một nhà sản xuất với nhiều năm tham gia công tác lựa chọn và tìm kiếm diễn viên, anh Nam Mỹ chia sẻ với Dân Việt: "Với các bộ phim cần tới những vai diễn giang hồ, tốt nhất là sử dụng luôn các diễn viên đã từng trải qua chuyện giang hồ ngoài đời thật. Bởi lẽ, những diễn viên này sẽ có cách diễn chân thực nhất. Đồng thời, các diễn viên này sở hữu ngoại hình, phong thái, hình xăm... đặc trưng của giới giang hồ.

Đây là những diễn viên có sự trải nghiệm mang tính thực tế, thậm chí họ đã từng mắc phải những sai lầm trong quá khứ. Khi đã vượt qua vấp ngã, những diễn viên này tham gia vào hoạt động làm phim và giúp cho những cảnh quay trở nên có màu sắc, đem lại hiệu ứng rất cao cho bộ phim", anh Nam Mỹ cho hay.

Cũng theo chia sẻ của anh Nam Mỹ, việc sử dụng các diễn viên quần chúng trong các vai diễn giang hồ sẽ góp phần tôn lên hình ảnh của người diễn viên chính. Nhà sản xuất phim cũng lấy ví dụ về hình tượng cố NSND Hoàng Dũng trong phim "Người phán xử". Theo anh, việc cố nghệ sĩ Hoàng Dũng đứng cùng hàng chục diễn viên quần chúng giang hồ đã tôn lên phẩm chất của nhân vật ông trùm Phan Quân.

Giang hồ trên màn ảnh - Họ là ai? - Ảnh 2.

Những diễn viên quần chúng trong các vai giang hồ tạo ra nét riêng cho phim hành động. (Ảnh: NVCC)

Bên cạnh việc xây dựng tạo hình cho nhân vật, các diễn viên quần chúng cũng giúp tăng thêm hiệu quả hình ảnh cho bộ phim. Bởi lẽ, những diễn viên quần chúng này đã có những trải nghiệm thực tế mà các diễn viên chuyên nghiệp khó có được.

Theo anh chia sẻ của anh Nam Mỹ, các diễn viên nước ngoài có sự nhập vai một cách chuyên nghiệp khác biệt so với những bộ phim trong nước. "Có thể lấy vị dụ từ phim "Bố già" của đạo diễn Francis Ford Coppola. Đây là phim được chuyển thể từ bộ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Mario Puzo. Trong phim, các vai diễn của những diễn viên trong vai mafia đã tạo được hiệu ứng lớn, thậm chí trở thành hình tượng để giới giang hồ thật học theo sau này. Điều đó cho thấy sự thành công và vai trò của người diễn viên trong quá trình nhập vai và hoàn thành bộ phim của mình".

Diễn viên Trọng Nghĩa ghi dấu với ngoại hình và cá tính trong phim "Ngày mai bình yên". (Nguồn: VTV)

Đằng sau những cảnh "hành hung" bạn diễn

Là gương mặt quen với khán giả truyền hình, diễn viên Trọng Nghĩa thường xuyên tham gia các vai diễn giang hồ trong nhiều dự án phim. Ngoại hình phù hợp với tạo hình nhân vật giang hồ dữ dằn, cục súc đã giúp Trọng Nghĩa thành công với không ít vai diễn của mình. Ở mỗi lần hóa thân, anh đều thể hiện tròn trịa, để lại ấn tượng sâu sắc với người xem.

Bén duyên với nghề diễn từ những vai diễn đầu tiên qua series "Tòa tuyên án" của VTV6, Trọng Nghĩa chia sẻ với Dân Việt: "Là một diễn viên tay ngang, lợi thế ngoại hình đã giúp tôi ghi điểm trong mắt các đạo diễn. Sau khi tham gia các vai diễn tái hiện của "Tòa tuyên án", tôi dần chuyển qua đóng phim truyền hình và nhiều dự án phim ngắn.

Giang hồ trên màn ảnh - Họ là ai? - Ảnh 4.

Áp lực khi thực hiện các cảnh "hành hung" bạn diễn của diễn viên đóng vai giang hồ. (Ảnh: NVCC)

Ban đầu khi đến với nghề diễn, tôi chỉ làm theo đam mê và sở thích của mình. Tuy nhiên qua quá trình tham gia, tôi cảm thấy mình thật sự đam mê và luôn cố gắng học hỏi kinh nghiệm từ bạn diễn và những người đi trước để hoàn thiện thêm kỹ năng diễn xuất. Ngoài đời, tôi là người yêu thích nghệ thuật xăm. Có lẽ đây là yếu tố lợi thế kết nối tôi với những vai diễn giang hồ".

Bên cạnh công việc diễn xuất, diễn viên Trọng Nghĩa còn đảm nhận vai trò casting diễn viên cho nhiều bộ phim. Anh hiện đang quản lý một nhóm chuyên cung cấp diễn viên mảng giang hồ và "xã hội đen" với hơn 1.200 thành viên. Đây là nhóm diễn viên quần chúng với chủ yếu là các thành viên có cùng đam mê nghệ thuật xăm. Nhóm diễn viên này đã cung cấp phần lớn nhân sự cho nhiều bộ phim có yếu tố hành động của VFC và các series phim ngắn.

Giang hồ trên màn ảnh - Họ là ai? - Ảnh 5.

Trần Tâm (thứ 2 từ phải sang) với vai diễn giang hồ trong phim "Lửa ấm". (Ảnh NVCC)

Diễn viên Lê Hà, người cũng đã từng có duyên với vai giang hồ chia sẻ cùng Dân Việt: "Việc lựa chọn diễn viên quần chúng trong các vai diễn giang hồ chủ yếu dựa trên góc nhìn của người tổ chức sản xuất. Các diễn viên được lựa chọn phải lột tả được vai diễn của mình. Bên cạnh ngoại hình thì ánh mắt là một yếu tố vô cùng quan trọng. Bởi lẽ các diễn viên quần chúng thường ít có lời thoại, vì thế đôi mắt hay ngoại hình sẽ là điểm nhấn để khán giả nhớ về những vai diễn đó".

Chia sẻ thêm về khó khăn trong quá trình thực hiện những vai diễn giang hồ, diễn viên Lê Hà nhớ tới lần vào vai nhân vật buôn người qua biên giới. Trong một cảnh quay của mình, chị phải thực hiện "pha" hành hung một nhân vật khi có ý định bỏ trốn. Để đáp ứng yêu cầu của đạo diễn, Lê Hà đã phải thực hiện cảnh tát nhiều lần với một diễn viên trẻ để tăng tính chân thực. 

Bối cảnh khi ấy là một ngôi nhà hoang đầy kim tiêm vương vãi, diễn viên Lê Hà đã lo ngại khi có thể làm tổn thương bạn diễn của mình. Đó là một trong nhiều câu chuyện khó quên về các vai diễn giang hồ của diễn viên Lê Hà.

Giang hồ trên màn ảnh - Họ là ai? - Ảnh 6.

Diễn viên Anh Dũng rất ngại khi phải thực hiện các cảnh hành động trước mặt trẻ em và người lớn tuổi. (Ảnh: NVCC)

Tốt nghiệp Đại học Sân khấu - Điện ảnh, diễn viên Anh Dũng có cơ hội tham gia nhiều bộ phim truyền hình nổi tiếng như: "Người phán xử", "Lửa ấm", "Hồ sơ cá sấu"... Theo chia sẻ của anh với Dân Việt: "Với các vai diễn giang hồ, các đạo diễn thường có xu hướng lựa chọn diễn viên qua vẻ bề ngoài. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, các diễn viên phải thực hiện theo những yêu cầu về biểu cảm trên khuôn mặt, cảm xúc, thần thái... Những vai diễn này có thể trái ngược hoàn với tính cách của người diễn viên ngoài đời. 

Trong quá trình làm việc, tôi rất ái ngại khi thực hiện những cảnh quay cùng các em nhỏ và người lớn tuổi. Bởi lẽ, khi làm việc cùng các em nhỏ, nếu mình diễn xuất quá nhập tâm có thể sẽ ảnh hưởng tới tâm lí, thậm chí để lại những ám ảnh với các em, đây là điều vô cùng nguy hiểm. Hoặc khi diễn những cảnh hành hung với các diễn viên lớn tuổi, người diễn viên có thể không may tạo ra chấn thương cho họ. Đây là những điều vô cũng nguy hiểm".

Vai diễn trái ngược với đời thật và câu nói chạnh lòng

Diễn viên Anh Dũng ghi dấu với khán giả qua vai phản diện trong phim "Hồ sơ cá sấu". (Nguồn: VTV)

Chia sẻ thêm về những khó khăn của người diễn viên trong vai giang hồ, diễn viên Anh Dũng kể về những trải nghiệm mà chính anh phải đối mặt. Theo đó, anh từng phải chịu sự kỳ thị, đánh giá của một số người xung quanh. Câu nói: "Trong phim đóng vai dữ thế thì ngoài đời chắc cũng không tốt đẹp". Hay những ánh mắt khác thường của một số người khi nhìn diễn viên đóng vai phản diện khiến họ không khỏi chạnh lòng. Tuy nhiên, ở góc độ công việc, đó lại là những thành công của người diễn viên. Bởi lẽ, đó là những minh chứng cho quá trình nhập vai và để lại những dấu ấn riêng biệt của người diễn viên với chính khán giả của mình.

Với công việc chính là một thợ xăm, diễn viên Trần Tâm chia sẻ với Dân Việt rằng, anh đến với nghề diễn viên qua lời giới thiệu của một người anh là khách hàng của mình. Trái với những vai diễn trên phim, ngoài đời Trần Tâm là người có tính cách thân thiện và hòa đồng. Từng tham gia nhiều bộ phim truyền hình nổi tiếng như: "Lửa ấm", "Lựa chọn số phận", "Ngày mai bình yên", "Cô gái nhà người ta"… Anh Tâm chia sẻ: "Các vai diễn trên phim và tính cách của người diễn viên có thể hoàn toàn trái ngược nhau. Với các vai diễn giang hồ, đạo diễn thường ưu tiên lựa chọn những diễn viên có hình xăm cùng gương mặt biểu cảm".

Giang hồ trên màn ảnh - Họ là ai? - Ảnh 8.

Diễn viên Minh Tuấn (phải) ngoài đời có tính cách trái ngược với vai diễn giang hồ trên phim. (Ảnh: NVCC)

Cũng theo chia sẻ của Trần Tâm, các bộ phim hành động thường sử dụng lượng lớn diễn viên quần chúng. Đây là cơ hội giúp các diễn viên nghiệp dư thỏa mãn đam mê của bản thân. Việc thực hiện các vai diễn này cũng không quá khó khăn. Các đạo cụ như vòng, nhẫn, trang phục của vai diễn thường là đồ của diễn viên dùng trong thực tế.

Do đó, đoàn phim ít phải chuẩn bị trang phục cho diễn viên, ê-kíp chỉ cần chuẩn bị một số đạo cụ như vũ khí, đồ dùng đặc thù... cho phù hợp với yêu cầu của phim. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất người người diễn viên trong quá trình làm việc là thực hiện những cảnh quay hành động, xô xát. Những diễn viên ít kinh nghiệm có thể sẽ gặp phải những chấn thương không mong muốn trong quá trình thực hiện những cảnh quay cùng đoàn phim.

Giang hồ trên màn ảnh - Họ là ai? - Ảnh 9.

Công việc của người diễn viên quần chúng trong những vai diễn giang hồ nhận cát-xê từ 300 - 500 ngàn đồng cho một ngày quay. (Ảnh NVCC)

Tham gia vai diễn giang hồ đầu tay với bộ phim "Bão ngầm" của đạo diễn Đinh Thái Thụy. Diễn viên Minh Tuấn nhớ về kỷ niệm khó quên khi thực hiện những cảnh quay tại một thung lũng của tỉnh Yên Bái. Theo chia sẻ của Tuấn, đoàn phim phải di chuyển từ 5 giờ sáng với điều kiện thời tiết khắc nghiệt từ 3-5 độ C. 

Khó khăn là vậy nhưng người diễn viên quần chúng cũng chỉ nhận được mức cát-xê từ 300 - 500 ngàn đồng cho một ngày quay. Do đó, người diễn viên chủ yếu tham gia vì đam mê và tình yêu với các vai diễn.

Giang hồ trên màn ảnh - Họ là ai? - Ảnh 10.

Mức cát-xê không cao, chấp nhận những chấn thương, bàn tán của dư luận là những khó khăn mà người diễn viên quần chúng trong vai giang hồ có thể phải đối mặt. (Ảnh: NVCC)

Ngoài ra, việc tham gia các vai diễn giang hồ trong phim hành động đòi hỏi người diễn viên phải có cá tính mạnh mẽ. Mức cát-xê không cao, chấp nhận những chấn thương, bàn tán của dư luận là những khó khăn mà người diễn viên quần chúng trong vai giang hồ có thể phải đối mặt. Dù vậy họ vẫn yêu nghề, đam mê với diễn xuất để cống hiến những thước phim chân thực nhất dành cho khán giả của mình.

0 nhận xét:

Post a Comment