Tại phiên thảo luận của Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà nêu ý kiến về Luật Điện ảnh sửa đổi. Bà đề xuất nên quy định dừng chiếu hoặc rút phép với tác phẩm điện ảnh có sự tham gia của các nghệ sĩ không có đạo đức, vi phạm đạo đức, an ninh chính trị…
Bất cập nếu có quy định
Quan điểm này đã nhận được sự quan tâm của giới làm phim Việt. Trao đổi với Zing, đạo diễn Võ Thanh Hòa cho biết anh ủng hộ những quy định giúp lành mạnh và trong sáng môi trường nghệ thuật. Tuy nhiên để những điều luật có thể áp dụng và phù hợp với thực tiễn, đời sống cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng.
"Bất cứ quy định gì cũng cần sự rõ ràng, cụ thể. Nếu chỉ nói diễn viên vi phạm đạo đức, phim bị cấm chiếu thì rất mông lung. Thế nào là vi phạm đạo đức?. Một cặp vợ chồng ly hôn, người này tố người kia phản bội nhưng làm sao dựa vào đó mà đánh giá người bị tố là xấu. Sự thật giữa hai người xảy ra chuyện gì, không ai biết và hiểu hết. Tôi nghĩ muốn đưa ra quy định diễn viên vi phạm đạo đức phim bị cấm chiếu, nhà làm luật hãy làm rõ những điều vi phạm đó là gì", nam đạo diễn nói.
Theo anh, nếu có quy định cụ thể về việc vi phạm đạo đức của diễn viên thì nhà làm phim sẽ áp dụng dễ dàng trong hợp đồng. Anh cho hay: "Khi đó, cả người làm phim và nghệ sĩ đều biết và tránh vi phạm. Hiện tại, chúng tôi không có cơ sở để kiểm soát đời sống riêng tư của diễn viên".
Theo nhìn nhận của nam đạo diễn, việc đánh giá đạo đức diễn viên ảnh hưởng tới một tác phẩm có nhiều bất cập. Bởi theo anh, nhà làm phim mời diễn viên khi họ không vướng thị phi, scandal. Nhưng sau khi quay phim xong, vài năm sau, nhà làm phim không thể biết chuyện gì sẽ xảy ra với diễn viên.
"Vì vậy, để công bằng, tôi cho rằng chỉ nên cấm với người diễn viên vi phạm không được tham gia nghệ thuật. Điều này giống như quy định trong bóng đá, cầu thủ bị thẻ đỏ hoặc dính lỗi nặng có thể bị cấm thi đấu vài trận hoặc một năm", đạo diễn Bệnh viện ma nêu quan điểm.
Nói về việc lựa chọn diễn viên cho các dự án của mình, Võ Thanh Hòa cho biết anh thường ưu tiên chọn người có khả năng, phù hợp với vai diễn và không dính ồn ào, thị phi.
"Bản thân tôi và các nhà làm phim đều muốn được làm nghề, đi kiếm tiền, chứ không ai muốn kiếm chuyện đâu. Và chúng tôi chọn nghệ sĩ có tài khả năng, không chọn người làm màu", anh nói.
Điện ảnh Việt thiếu chuyên nghiệp, còn nhiều rào cản
Đạo diễn kiêm nhà sản xuất Khoa Nguyễn nhận định quan điểm cấm chiếu phim khi nghệ sĩ vi phạm đạo đức nếu đưa vào luật có thể gây khó khăn cho nhà sản xuất. Anh cho rằng tác phẩm điện ảnh có sự góp công sức, tiền bạc, trí tuệ của một tập thể gồm nhiều người, bộ phận. Trong đó, diễn viên chỉ là một thành viên, càng không phải là chủ thể duy nhất. Hơn nữa, nhà sản xuất mới là người nắm bản quyền, chủ sở hữu tác phẩm.
Cũng như Võ Thanh Hòa, Khoa Nguyễn cho rằng chưa có cơ sở, điều luật nào quy định nhà sản xuất quản lý đời tư diễn viên.
Thực tế, trong hợp đồng giữa nhà sản xuất và diễn viên không có điều khoản nghệ sĩ phải giữ hình ảnh hay bồi thường nếu có vi phạm xảy ra.
"Trong hợp đồng hiện nay, nhà làm phim hầu như chỉ quy định với diễn viên về vấn đề thực hiện bộ phim như không được tiết lộ nội dung, tuân thủ các quy định làm việc, lịch trình", Khoa Nguyễn cho biết.
Đạo diễn Người lắng nghe: Lời thì thầm cho rằng giá trị hợp đồng một vai diễn khá khiêm tốn so với hợp đồng nghệ sĩ nhận làm đại sứ thương hiệu hay quảng cáo cho nhãn hàng. Do đó, điều kiện ràng buộc cũng như yêu cầu bồi thường trong hợp đồng không thể căng thẳng như với nhãn hàng.
Anh nói: "Giá trị bản hợp đồng đóng một bộ phim chưa đến 1 tỷ đồng thì khó yêu cầu diễn viên bồi thường 20-30 tỷ đồng. Như vậy, không ai dám ký kết làm việc".
Theo Khoa Nguyễn, trong tương lai, khi quy mô của ngành điện ảnh Việt phát triển theo hướng chuyên nghiệp hơn, yêu cầu về đời tư diễn viên cũng như vấn đề bồi thường hợp đồng nên được áp dụng. Ở thời điểm hiện tại, ngành chưa phát triển, cát-xê từ nghề diễn chưa hẳn mang lại thu nhập tốt cho nghệ sĩ. Bởi vậy nếu áp quy định diễn viên phải bồi thường hợp đồng hàng chục tỷ đồng là bất hợp lý.
Nam đạo diễn nêu ý kiến bất cứ quy định hay điều luật nào được ban hành cũng nên có sự rõ ràng và phù hợp với thực tế cuộc sống. Quy định chung chung sẽ khó định lượng, khó xử lý, xử phạt.
Nam đạo diễn cho rằng nghệ sĩ vướng scandal đa số ngoài ý muốn bởi họ biết rằng điều đó sẽ khiến bản thân bị thiệt hại về hợp đồng quảng cáo, công việc.
"Hầu hết nhà sản xuất đều né nghệ sĩ có scandal. Để hoàn thành một bộ phim, nhà đầu tư, sản xuất phải bỏ hàng chục tỷ đồng và không ai mạo hiểm chọn người có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến dự án của mình", anh nhấn mạnh.
Khoa Nguyễn còn cho hay với nghệ sĩ vướng scandal, vi phạm đạo đức, trước khi bị pháp luật xử lý, họ còn bị khán giả tẩy chay, quay lưng. Và đó cũng là sự trả giá đắt với họ.
0 nhận xét:
Post a Comment