Saturday, October 23, 2021

Sáng nay 23/10, trong chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Theo đó, Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) trình Quốc hội khóa XV đã không còn danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú đối với nhạc sĩ, phát thanh viên như quy định hiện hành.

Theo Điều 64 của dự thảo luật đối tượng được xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú gồm diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, họa sĩ hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Như vậy so với quy định hiện hành, dự thảo luật trình Quốc hội khóa XV đã bỏ đối tượng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú đối với nhạc sĩ, phát thanh viên.

Dân Việt đã có cuộc trao đổi với NSƯT Kim Tiến, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh và nhạc sĩ Giáng Son về vấn đề này.

Chia sẻ với Dân Việt, NSƯT Kim Tiến – "giọng đọc huyền thoại" một thời của VTV bày tỏ: "Theo tôi, nếu bỏ xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú đối với phát thanh viên sẽ hơi thiệt thòi cho thế hệ phát thanh viên trước đây từng có nhiều cống hiến thiết thực cho sự nghiệp phát thanh – truyền hình.

Phát thanh viên, nhạc sĩ nói gì về việc xoá bỏ xét danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú? - Ảnh 1.

NSƯT Kim Tiến - "giọng đọc huyền thoại" một thời của VTV. Ảnh: TL.

Thời của chúng tôi, mọi thứ đều đang rất khó khăn, thiếu thốn và phát thanh - truyền hình vẫn chưa phân tách như bây giờ. Thời đó, ai cũng phải hy sinh nhiều thứ và làm nghề bằng cái tâm đúng nghĩa. Những sự cống hiến của họ có hiệu quả thật sự cho đất nước, cả trong chiến tranh và thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa. Nên nếu xoá bỏ xét tặng danh hiệu đối với phát thanh viên sẽ khiến nhiều người thiệt thòi.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc xét tặng danh hiệu đối với những người làm nghề sau này vẫn còn nhiều bất cập. Tôi thấy việc xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú đôi khi như kiểu "lá mùa thu". Cứ đủ tiêu chí cứng là xét tặng chứ không xét nhiều đến các yếu tố khác. Riêng lĩnh vực phát thanh, bây giờ, tìm ra được một phát thanh viên tiêu biểu cũng khá khó khăn vì nghề này không như ngày xưa.

Cho nên, xét ở góc độ nào đó thì việc xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú cho các phát thanh viên cũng được mà không xét tặng cũng chẳng sao. Chỉ có điều, trước khi xoá bỏ việc xét tặng danh hiệu đối với phát thanh viên thì cần có một cuộc rà soát toàn diện để có hình thức nào đó bù đắp cho các thế hệ phát thanh viên đã có nhiều cống hiến. Với tôi, ai sống lâu trong lòng dân thì người đó đã là nghệ sĩ của nhân dân rồi.

Đợt vừa rồi, có người bảo tôi làm hồ sơ xin xét tặng Nghệ sĩ Nhân dân nhưng tôi không làm. Phần vì tôi đã về hưu nhiều năm và không có nhiều thành tích bề nổi (huy chương, giải thưởng). Tuy vậy, tôi vẫn có nhiều đóng góp thiết thực và âm thầm cho sự nghiệp phát thanh – truyền hình. Tôi vẫn tham gia đào tạo và truyền lửa cho các thế hệ sau. Tôi cũng có những đóng góp thiết thực cho nhân dân. Nhưng danh hiệu với tôi không phải là tất cả. Quan trọng với tôi là sống được trong lòng nhân dân".

Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh – Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội cũng bày tỏ với Dân Việt rằng: "Tôi nghĩ việc bỏ xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú đối với nhạc sĩ là cũng được. Vì nhạc sĩ không tham gia biểu diễn, nếu ai tham gia biểu diễn thì xét ở lĩnh vực họ biểu diễn. Trong khi đó, hàng năm, giới nhạc sĩ sáng tác đã có giải thưởng cao quý về văn học nghệ thuật đó là Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước.

Phát thanh viên, nhạc sĩ nói gì về việc xoá bỏ xét danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú? - Ảnh 2.

Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh - tác giả của hàng loạt ca khúc nổi tiếng như: Biển khát, Hạt mưa mùa xuân... Ảnh: TL.

Còn việc bỏ xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú đối với lĩnh vực phát thanh viên là không phù hợp. Vì tôi biết, trong lĩnh vực phát thanh, nhiều người cũng tham gia biểu diễn và có nhiều đóng góp thiết thực cho sự nghiệp phát thanh – truyền hình, đặc biệt là các thế hệ trước. Những tên tuổi gắn liền với phát thanh một thời như bà Tuyết Mai, Kim Cúc… họ có nhiều thành tích nổi và tài năng nổi trội mà không trao danh hiệu cho họ thì thiệt thòi quá".

Trao đổi với Dân Việt, nhạc sĩ Giáng Son cũng cho rằng: "Tôi tự hỏi, tại sao các nghệ sĩ biểu diễn thì được xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, trong khi nhạc sĩ cũng có huy chương và giải thưởng mà họ không được. Những nhạc sĩ tham gia biểu diễn thì xét danh hiệu theo lĩnh vực biểu diễn của họ rồi, còn những nhạc sĩ sáng tác có giải thưởng thì vì sao lại không?

Phát thanh viên, nhạc sĩ nói gì về việc xoá bỏ xét danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú? - Ảnh 3.

Nhạc sĩ Giáng Son - tác giả của Giấc mơ trưa, Cỏ và mưa... Ảnh: TL.

Mặc dù hàng năm đã có Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật dành cho các nhạc sĩ nhưng dù sao đó cũng là giải thưởng chứ không phải danh hiệu. Và giải thưởng này được xét tặng cho các tác phẩm/cụm tác phẩm của các nhạc sĩ với những tiêu chí khác hẳn. Trong khi đó, xét tặng danh hiệu là xét cả quá trình lao động và cống hiến cho nghệ thuật. Danh hiệu đó cũng sẽ là niềm vinh dự và tự hào đi theo người nhạc sĩ đến suốt cuộc đời.

Theo tôi, không nên bỏ xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú đối với nhạc sĩ mà có thể chuyển thành Nhạc sĩ Nhân dân, Nhạc sĩ Ưu tú hoặc một danh hiệu nào tương đương nếu không sẽ rất thiệt thòi cho giới nhạc sĩ sáng tác. Vì có thể họ không tham gia biểu diễn nhưng cũng có các giải thưởng. Và việc xem xét trao danh hiệu này cũng tiến hành với các tiêu chí như xét tặng danh hiệu đối với nghệ sĩ biểu diễn. Nếu không xét tặng danh hiệu cho nhạc sĩ sáng tác thì rốt cuộc, họ chẳng có gì cả.

Nhưng theo tôi, để có tính thống nhất, không đẻ ra những tên gọi danh hiệu khác thì vẫn trao danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú đối với nhạc sĩ. Và các tiêu chí cứng vẫn xét như xét với nghệ sĩ biểu diễn".

0 nhận xét:

Post a Comment