Sunday, October 10, 2021

Danh họa Bùi Xuân Phái sinh năm 1920 tại Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội. Ông tốt nghiệp khoa Hội họa trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa 1941–1945, cùng thời với các danh hoạ Nguyễn Sáng, Dương Bích Liêm. Ông chuyên về chất liệu sơn dầu, đam mê mảng đề tài phố cổ Hà Nội. 

Nhắc đến hội họa Hà Nội hiện đại, không thể không nhắc đến tranh Bùi Xuân Phái. Ông đã sáng tác hàng trăm bức vẽ khác nhau về phố cổ bằng tài năng và tình yêu đặc biệt dành cho mảnh đất này.

Tranh Bùi Xuân Phái từng nổi danh lừng lẫy cả trong và ngoài nước, thế nhưng càng ngày giá trị của chúng ngày càng suy giảm. Tại một phiên đấu giá được tổ chức vào tháng 12/2017, chỉ có 1/7 bức tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái được đấu giá thành công, 6 bức còn lại đều không một ai trả giá.

PV Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu hội họa Ngô Kim Khôi về câu chuyện đáng buồn này.

Vì sao giá trị tranh phố cổ Hà Nội của Bùi Xuân Phái ngày càng tụt dốc thảm hại? - Ảnh 1.

Nhà nghiên cứu hội họa Ngô Kim Khôi bên bức tranh "Thiếu nữa Bắc kỳ" của Nam Sơn (Ảnh: Harry Nguyễn).

Tranh Bùi Xuân Phái có chứa những cuộc nổi loạn ngầm

Bùi Xuân Phái là một trong những họa sĩ thuộc thế hệ cuối cùng của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, cùng thời với các danh hoạ Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên... những tên tuổi ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Ông có thể đánh giá đôi chút về đặc điểm trong các sáng tác của Bùi Xuân Phái?

- Bùi Xuân Phái là một trong những họa sĩ thuộc thế hệ Đông Dương được mọi người nhắc đến nhiều nhất. Được đào tạo bài bản theo phương pháp hàn lâm của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương nhưng phong cách của Bùi Xuân Phái có những cuộc nổi loạn của một tâm hồn phóng khoáng. 

Sức mạnh của tâm hồn nghệ sĩ muốn bay bổng muôn phương nhưng dường như bị trói buộc với những ràng buộc, giáo điều... Vì vậy, tranh ông tuy chân chất mà lại thường bàng bạc nỗi buồn da diết, cô đơn, hoài cổ, như tiếc nuối một thời tuổi trẻ không được vẫy vùng.

Có một khoảng thời gian rất dài, tranh Việt Nam ít được chú ý, vì những ảnh hưởng chính trị hay chiến tranh tác động mạnh mẽ. Người ta còn phải nghĩ đến việc mưu sinh, đời sống vật chất đè nặng lên đời sống tinh thần, môi trường nghệ thuật dường như hoàn toàn chìm sâu vào im lặng và lãng quên.

Lớp bụi thời gian dày đặc ấy chỉ được phủi đi vào đầu thập niên 1980 với các tên tuổi Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm. Những cái tên này trở thành "tứ trụ" cho nền Mỹ thuật Việt Nam, sáng lên như những vì sao trong đêm trường.

Tranh phố cổ Hà Nội của Bùi Xuân Phái được công chúng mến mộ rộng rãi, theo ông vì sao?

- Nghệ thuật Bùi Xuân Phái là những mảng màu mạnh mẽ với những đường viền đậm nét, diễn tả những con phố cổ Hà Nội đôi khi hiu hắt buồn, thường vắng bóng người qua… Bao nhiêu nét đẹp cổ xưa của Hà thành, những hoài cảm sâu lắng thấm đẫm vị thời gian qua nét cọ của Bùi Xuân Phái đi sâu vào lòng người với những bước chân của một mạch nước ngầm "ngày càng lan rộng và thẩm thấu chân thành đến tận cùng những tâm hồn xa lạ"…

Vì sao giá trị tranh phố cổ Hà Nội của Bùi Xuân Phái ngày càng tụt dốc thảm hại? - Ảnh 2.

Phố cổ Hà Nội - tranh Bùi Xuân Phái.

Bức tranh nào của Bùi Xuân Phái theo ông là xuất sắc nhất?

- Thật khó khi tìm một tác phẩm xuất sắc nhất của Bùi Xuân Phái. Đối với tôi, đó hiển nhiên đó là loạt tranh "phố Phái". Những tác phẩm về phố cổ của ông mang đậm nét cổ kính, ông vẽ bằng tất cả tấm chân tình, yêu mến từ trong con tim tràn lên tranh. Dường như họa sĩ đã gửi gắm vào linh hồn phố cổ Hà Nội tình yêu và những kỷ niệm sâu lắng của riêng mình. 

Những hoài niệm mang mác buồn, những bâng khuâng tiếc nuối ấy được gói ghém, gìn giữ, trân quý như kỷ vật muôn trùng, với tâm tình ngàn sau "Phá toái lăng hoa tầm cựu ảnh/ Trùng phong khâm tử hộ dư hương", (Đập cổ kính ra tìm lấy bóng/ Xếp tàn y lại để dành hơi).

Vấn nạn tranh giả trở thành một vết thương lở loét 

Tranh Đông Dương là dòng tranh đắt giá nhất, nhưng riêng tranh Bùi Xuân Phái lại bị rớt giá thảm hại do tranh chép xuất hiện tràn lan. Theo ông, có phải điều này làm giảm đi giá trị của những bức tranh gốc, và lẽ ra chúng phải ở vị trí cao hơn?

- Như đã nói ở trên, lớp bụi thời gian của sự lãng quên chỉ được phủi đi vào đầu thập niên 1980 với các tên tuổi Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm. Tiêu biểu nhất là tranh Bùi Xuân Phái, là một trường hợp đau đầu nhất hiện nay, làm giá trị tranh của ông từ đỉnh cao tuột dốc một cách không kìm hãm được. Từ cái hiện tượng tiêu biểu "phố Phái" đã bị chế nhạo bằng cách chơi chữ "faux Phái" (tranh giả của Phái, giọng đọc tiếng Pháp đồng âm).

Hiện nay, tranh giả Bùi Xuân Phái tràn lan không thể nào kiểm chứng được. Trường hợp Bùi Xuân Phái có lẽ là duy nhất với số lượng tranh giả ngập tràn trên mọi hình thức, tại các tiệm bán đồ lưu niệm cũng như ngay cả trên vỉa hè đều tràn lan, mà không có gì ngăn cản được.

Câu nói "Bùi Xuân Phái thật vĩ đại, ông vẽ nhiều hơn sau khi đã mất" được giới hội họa nước ngoài lan truyền, không chỉ là nỗi đau riêng, mà còn là lời thành kính phân ưu chung đến nhiều họa sĩ Đông Dương đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp hội họa.

Vì sao giá trị tranh phố cổ Hà Nội của Bùi Xuân Phái ngày càng tụt dốc thảm hại? - Ảnh 3.

Hoa sĩ Bùi Xuân Phái. (Ảnh: TXK)

Liệu có phải tranh ông Phái dễ chép hơn các tác giả khác, hay chúng dễ bán hơn?

- Cũng giống mỗi người trong chúng ta đều hun đúc tâm hồn khác nhau, thì trong mỗi họa sĩ đều có phong cách riêng của họ. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhái theo phong cách nhưng phần hồn cốt rất khó mà nắm bắt được. 

Tranh thật của Bùi Xuân Phái dĩ nhiên vẫn có giá trị, nhưng giá trị thị trường lại bị ảnh hưởng không nhỏ đến tên tuổi của ông. Trong tiếng Pháp hiện tượng BXP có thể trình bày qua câu "être victime de son succès" (người trở thành nạn nhân của sự thành công của chính mình).

Năm 2017, trong một cuộc đấu giá tranh, có tới 6/7 bức tranh Bùi Xuân Phái không một ai trả giá. Là một nhà nghiên cứu hội hoạ, ông có thấy đau lòng về thực trạng này ?

- Tranh giả Bùi Xuân Phái tràn lan trên sàn đấu giá, ngay cả tại các nhà đấu giá danh tiếng, là một "vấn đề" nan giải cho những nhà thẩm định tranh. Các nhà đấu giá chỉ là chợ bán tranh, miễn có lời là họ sẽ làm. Tại sao họ không thể giả tranh Picasso, Van Gogh… ? Đó là vì tại các nước tiên tiến, luật pháp bảo vệ tác quyền rất phân minh, xử phạt nặng nề, các nhà đấu giá cũng có thể ngại việc ảnh hưởng đến danh tiếng của họ.

Riêng đối với tranh Việt Nam nói chung và tranh Đông Dương nói riêng, các nhà đấu giá chỉ cần bán được tranh để lấy tiền, danh tiếng không hề lung lay vì luật pháp của chúng ta chưa có gì phân minh trong việc bảo vệ tác quyền.

Thị trường tranh Đông Dương càng lên cao, món mồi càng béo bở, việc giả tranh càng lộng hành, tinh vi, thì vấn nạn tranh giả trở thành một vết thương ngày càng lở loét đối với nền mỹ thuật Việt Nam.

Vì sao giá trị tranh phố cổ Hà Nội của Bùi Xuân Phái ngày càng tụt dốc thảm hại? - Ảnh 4.

"Phố Mã Mây" (Tranh Bùi Xuân Phái)

Ngoài Bùi Xuân Phái, có còn tác giả nào vẽ Hà Nội và được công chúng đón nhận không, thưa ông?

- Loạt tranh phố cổ của Bùi Xuân Phái được giới yêu thích mỹ thuật chào đón một cách nồng nhiệt, nhưng trước Bùi Xuân Phái một hai thập niên đã có một họa sĩ vẽ phố phường Hà Nội, đó là họa sĩ Lê Văn Xương.

So sánh với nhau, tranh phố Hà Nội của Bùi Xuân Phái trầm mặc thì phố phường Hà Nội của Lê Văn Xương rất chan hòa, gần gũi… Từng góc phố, nẻo đường và những mái nhà như còn vương đọng nhịp thở, và đôi khi, bóng sáng huy hoàng tràn khỏi khung, lan đầy ánh mắt…

Đối với tôi, tranh Lê Văn Xương có nhiều nắng, ươm vàng cả toan, ươm vàng bóng ai đổ xuống bên thềm, ươm vàng cả màu đất nâu hay thửa ruộng lấp lóa. Trời kia như nhón gót cao hơn lên, vun vút nắng thủy tinh…

Cảm ơn những chia sẻ của ông!

0 nhận xét:

Post a Comment