Sunday, November 21, 2021

GS. TS. KTS Hoàng Đạo Kính: Văn hoá thời hội nhập là phục vụ nhân dân mình và thuộc về thời đại mình - Ảnh 1.

LTS: Để tiếp nối loạt bài "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi", Dân Việt xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc bài viết của GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính, người đã bỏ ra nhiều tâm huyết, công sức để nghiên cứu cũng như góp phần gìn giữ những bản sắc của văn hóa Việt Nam.

Tộc người nào, dân tộc nào trên chặng đường tiến hóa cũng sản sinh bản sắc. Bản sắc làm cho tộc người này, dân tộc kia, bên cạnh những cái chung mang bản chất nhân loại, có những sự khác biệt. Những sự khác biệt không theo cách hiểu thông thường, lại càng không phải là những dị biệt.

Những sự khác biệt cấu thành bản sắc của mỗi tộc người, mỗi dân tộc được nảy sinh, định hình, tinh lọc và có sức trường tồn, trở thành một dạng hệ gen. Hệ gen ấy không những bảo lưu lâu bền, mà còn luôn biến đổi, luôn cải tiến và bổ sung theo qui luật của tạo hóa.

Cuộc sống đương đại biến đổi nhanh gấp cả trăm lần (nếu tính được) so với những thế kỷ đi trước. Sự phát triển bứt phá dữ dội ấy buộc và cuốn tất thảy vào dòng thác biến đổi, nhiều trường hợp đến tận gốc tận rễ. 

Các quốc gia, các dân tộc, không ai có thể và dại dột gì đứng né khỏi dòng chảy ấy. Dĩ nhiên văn hóa dân tộc và cái hồn cốt của nó là bản sắc đương nhiên bị đặt, mặt đối mặt trước những thách thức và thời cơ của thời đại.

GS. TS. KTS Hoàng Đạo Kính: Văn hoá thời hội nhập là phục vụ nhân dân mình và thuộc về thời đại mình - Ảnh 2.

Bản sắc dân tộc, bản sắc văn hóa dân tộc không thể trở thành vật cản của sự bứt phá vươn lên tới tầm nhân loại, ngược lại, hễ bản sắc ấy hàm chứa trong mình không chỉ sức sống bền dai mà cả khả năng vận động thích ứng cùng khả năng hấp thụ, thì nó ắt phải không những trụ vững mà còn trở thành một cái gì đó vừa kế thừa vừa mới mẻ, là sản phẩm của thời mới.

Dân tộc mình có đủ cơ sở để tự tin vào điều ấy. Hơn thế nữa, với phẩm chất mang tính bản sắc là khả năng ứng biến, ứng phó và khả năng tiếp thụ nhanh mà có chọn. Người Việt mình có thể ung dung theo cách riêng của mình, đi tới tiến bộ và văn minh, không quá e dè trước nỗi lo đánh mất bản sắc trong phát triển.

GS. TS. KTS Hoàng Đạo Kính: Văn hoá thời hội nhập là phục vụ nhân dân mình và thuộc về thời đại mình - Ảnh 3.

Vấn đề làm thế nào để nền văn hóa đương đại vừa dân tộc lại vừa hội nhập, câu hỏi này không chỉ là của riêng ta. Là mình mà vẫn không thua người. Thực tiễn cuộc sống đang cho ta những câu trả lời tích cực. 

Chớ quá bi quan trước vấn nạn này, biểu hiện kia của cuộc sống sôi nổi trong sự hội nhập hóa (đôi khi chỉ là lớp bọt hay lớp váng), mà ta băn khoăn muốn cố thủ trong cái "lô cốt" bản sắc dân tộc, mà quay ngoắt lại một cách cổ trang trong nhận thức và kiến tạo văn hóa của thời mình.

GS. TS. KTS Hoàng Đạo Kính: Văn hoá thời hội nhập là phục vụ nhân dân mình và thuộc về thời đại mình - Ảnh 4.

Chúng ta bức xúc với trào lưu giới trẻ chuộng nhạc ngoại, sài nhạc pop và rock. Ấy thế nhưng, ngoài những sự nhại lộ liễu khá phổ biến cách hát và cách diễn của người nước ngoài, thì nếu ta chịu khó nghe và nhìn một cách khách quan, nhạc rock và pop ở ta vẫn là kiểu ta, chẳng giống ai cả. 

Không thể ép buộc bỏ những hình thức âm nhạc và biểu diễn mới, cũng như các cụ ta không và không thể bác bỏ thơ mới, nhạc mới và kịch theo lối Tây ở đầu thế kỷ trước. 

Cuộc sống sung túc lên và xã hội giai tầng hóa về hưởng thụ văn hóa sẽ dẫn tới sự sinh tồn của chèo, tuồng, ca trù, quan họ, nhạc giao hưởng, nhạc trẻ... Chúng ta chẳng những đang trong cuộc phát triển, mà còn đang trong giai đoạn quá độ kéo dài. 

 Nhìn sang các lĩnh vực văn hóa khác, từ bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, đến công cuộc xây dựng văn hóa tương thích xã hội thời mới, đến các lĩnh vực nghệ thuật và văn học, đến kiến trúc… 

Tất tật, nếu nhìn cho vĩ mô và cho tỉnh táo, đều mang khuôn mặt và dấu ấn thời mà ta đang sống thể hiện sự khác biệt thị sở mà người Việt tạo ra trong các hoạt động vật chất và tinh thần, so với các quốc gia và dân tộc khác.

GS. TS. KTS Hoàng Đạo Kính: Văn hoá thời hội nhập là phục vụ nhân dân mình và thuộc về thời đại mình - Ảnh 5.

Nói riêng ở lĩnh vực kiến trúc, công cuộc xây dựng, nền kiến trúc nước nhà đang trải qua thời kì phát triển nhanh và mạnh gấp bội so với quá khứ. Thành thị và nông thôn đều đang tạo dựng nên những quỹ kiến trúc - đô thị và kĩ thuật to lớn, trở nên tiện lợi hơn, cơ bản hơn và khang trang lên. 

Là một nền nghệ thuật dựa trên đơn đặt hàng của xã hội và dựa trên các thành tựu của kỹ thuật cùng công nghệ, đồng thời không tách rời khỏi thực tế mà đất nước ta đang là, nền kiến trúc Việt Nam hôm nay phản ảnh, như cái gương, một xã hội đang chuyển động năng nổ, chủ động và kèm theo đó sự điều tiết chưa tương ứng.

Hễ đề cập đến cục diện tính dân tộc, cục diện bản sắc dân tộc trong kiến trúc, theo tôi, trước tiên và cần hơn cả là vấn đề: Làm sao để các sản phẩm kiến trúc xây dựng đáp ứng trước tiên, một cách xít xao, các nhu cầu của cuộc sống xã hội ngày càng nâng cao và ngày càng đa dạng.

Tương thích hơn cả với hoàn cảnh thực tế của từng nhóm cộng đồng và từng địa phương, tiệm cận và sử dụng hợp lí những thành tựu của khoa học và công nghệ xây dựng hiện đại. 

Giới kiến trúc sư, trước tiên phải hướng tới một nền kiến trúc lành mạnh, thiết thực, dân sinh, không gây lãng phí tiền của, không làm tổn hại thiên nhiên và gây hậu họa cho con cháu, một nền kiến trúc đứng cả hai chân trên thực tế và có tầm nhìn tới tương lai. Hễ có một nền kiến trúc như thế, ắt nó sẽ là sản phẩm của thời ta, và đương nhiên, sẽ mang bản sắc Việt hôm nay.

GS. TS. KTS Hoàng Đạo Kính: Văn hoá thời hội nhập là phục vụ nhân dân mình và thuộc về thời đại mình - Ảnh 6.

Nhân đây, tôi không thể kìm mình để không chia sẻ nỗi băn khoăn, mối lo lắng day dứt: Vì sao nền xây dựng và kiến trúc của ta đang lạc hậu so với nước ngoài cả nửa thế kỷ, mà khắp nơi nơi ở quy mô đại trà, chúng ta đang xây dựng ngày càng nhiều những tòa nhà và những công trình có kiến trúc nhại lại hình thức cách nay hàng trăm năm và thịnh hành không phải ở xứ ta ? 

Các công sở đồ sộ, nặng nề, cũ kỹ như có từ hơn trăm năm trước, song to lớn hơn nhiều, rườm rà hơn hẳn. Bề ngoài thì kiểu Tây, bài trí và đồ gỗ thì kiểu Tàu. Chưa ai tính thử kiến trúc giả Tây, bàn ghế giả Tàu tốn phí bao nhiêu so với một tòa nhà xây dựng và trang bị theo tiêu chí lấy sự tiện lợi và sự giản dị làm tiêu chí đòi hỏi. 

Hội chứng tạm gọi là cổ trang này lây lan sang kiến trúc phố phường và thôn quê, với những biến chứng vô tận và sự tiêu phí tiền của thật khó hiểu.

Tranh của KTS Hoàng Đạo Kính

Đây chính là biểu hiện đích thực của chủ nghĩa hình thức, là một sự lãng phí ghê gớm tiền của, đi ngược lại thời đại, với những nhu cầu và đòi hỏi mới, với những vật liệu và kỹ thuật mới, với bản chất mới sâu xa.

Nhìn ra thế giới, không thấy đâu lại lan tràn, phổ cập kiểu kiến trúc ngược thời gian và phung phí như dạng này. Nó không có liên quan gì đến cục diện bản sắc, đến tính dân tộc. Nó phản tiến bộ và cần khắc phục.

GS. TS. KTS Hoàng Đạo Kính: Văn hoá thời hội nhập là phục vụ nhân dân mình và thuộc về thời đại mình - Ảnh 7.

Kiến trúc từ góc nhìn tính dân tộc và bản sắc dân tộc, do bản chất của mình, có sự khác biệt với các lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật khác. Song nó chung con đường và chung đòi hỏi tối thượng: Văn hóa phải phụng sự đắc lực nhân dân mình và thuộc thời đại mình.

Tính dân tộc và bản sắc dân tộc không theo đuổi những mục đích tự thân, không chỉ có những biểu hiện hình thức. Chúng không mâu thuẫn với biến đổi, với hội nhập.

Ái ngại, đâu đó đang bộc lộ xu hướng nệ cổ, hoặc là nói nhẹ hơn, xu hướng hoài cổ, hoài cả những gì mà ta chưa hẳn có.

Phát triển nhanh gấp bội là đòi hỏi của thời gian. Ta càng là ta nếu ta không tụt lùi.

(Còn nữa)

GS. TS. KTS Hoàng Đạo Kính: Văn hoá thời hội nhập là phục vụ nhân dân mình và thuộc về thời đại mình - Ảnh 8.

0 nhận xét:

Post a Comment