Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Tôi tâm đắc với câu: "Cán bộ quản lý văn hóa là cái gốc của mọi công việc" được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh
Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc không những ở tầm tư tưởng mà còn cho thấy chiến lược con đường văn hóa, phục hưng và phát triển nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Điều quan trọng hơn là sự gần gũi của Tổng Bí thư với các đại biểu tham dự ở Hội nghị văn hóa hay sự gần gũi với tất cả người dân Việt Nam. Sự gần gũi này gắn kết bởi văn hóa trong chính bài phát biểu của Tổng Bí thư.
Cụ thể, trong bài phát biểu của Tổng Bí thư không chỉ có thơ mà các tác phẩm văn học nổi tiếng cũng được nhắc đến. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ ra, khi đời sống vật chất được nâng lên thì những tác phẩm văn học, tác phẩm nghệ thuật, âm nhạc… chất lượng được như trong thời kỳ kháng chiến gần như rất ít.
Thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng con người. Môi trường văn hóa vẫn bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực... Đấy là một điều vừa là nhắc nhở, vừa cảnh báo đối với giới văn nghệ sĩ.
Thêm đó, một số vấn đề tôi tâm đắc trong bài phát biểu của Tổng Bí thư như: Văn hóa chưa được quan tâm một cách đầy đủ tương xứng với kinh tế và chính trị; chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước. Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng nặng về chức năng giải trí.
Thứ nữa, việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hoá tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ trong giai đoạn mới; sớm khắc phục tình trạng chắp vá, tùy tiện trong bố trí cán bộ làm công tác văn hóa, ở cả trung ương và địa phương.
Tổng Bí thư đã nhấn mạnh, cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Công tác lãnh đạo và quản lý văn hóa không chỉ đòi hỏi có phẩm chất chính trị mà còn phải có trình độ chuyên môn, am hiểu đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ...
Dường như Tổng Bí thư muốn cán bộ quản lý văn hóa phải có sự thấu hiểu về văn hóa, thấu hiểu sứ mệnh văn hóa, thấy sự cần thiết, cấp bách trong thời đại. Chỉ khi có được sự thấu hiểu đó thì người quản lý văn hóa mới tổ chức, điều hành, sáng tạo ra các giá trị tác phẩm nghệ thuật. Ngoài ra, người quản lý văn hóa phải tạo ra được hành lang mở rộng, dân chủ, có khả năng tiếp cận các văn bản mới, những tác phẩm mới, quan điểm mới, ý tưởng của các nghệ sĩ. Điều quan trọng là mỗi tác phẩm đưa ra phản ánh được sự thật, là tiếng nói của lương tâm, có tính dự báo về đời sống xã hội, hiện tại và cả trong tương lai.
NSƯT Trần Ly Ly - Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam: Văn hóa là nền tảng, cốt lõi để phát triển kinh tế, xã hội
Tôi có cảm xúc rất đặc biệt. Qua bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, tôi nhận thấy ông là người vô cùng am hiểu văn chương. Không chỉ vậy, Tổng Bí thư còn có cảm xúc dạt dào và hiểu rõ ngọn ngành các vấn đề về văn hóa. Đó là điều may mắn đối với những người hoạt động trong ngành văn hóa chúng tôi.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hiểu thấu được tâm tư, nguyện vọng của các văn nghệ sĩ. Ông đã nói rõ tất cả định hướng, giá trị cốt lõi văn hóa, con người Việt Nam. Ông cũng nhấn mạnh rằng, cần phải coi trọng những vấn đề kể trên, song hành với các vấn đề kinh tế, chính trị.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng sâu sắc khi nói tới khía cạnh con người chính là văn hóa, văn hóa là nền tảng, cốt lõi để phát triển kinh tế, xã hội. Đất nước có đạt được các thành tựu hay không là phụ thuộc vào con người, văn hóa của Việt Nam.
PGS.TS Trần Hữu Sơn - Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định đúng đắn
Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phản ánh đầy đủ bối cảnh văn hóa Việt Nam hiện nay. Tổng Bí thư cũng nêu ra rất nhiều ý kiến, nhận định đúng đắn. Có thể lấy ví dụ về sự xuất hiện của những tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu nhưng hiện nay chúng ta ít bắt gặp những nghệ sĩ, tác phẩm tiêu biểu như thế. Tổng Bí thư cũng đã vạch ra nguyên nhân về sự chậm phát triển trong văn hóa hiện nay.
Theo đó, nguyên nhân về sự chậm nhận thức hoặc nhận thức chưa đúng của một bộ phận cán bộ liên quan đến vấn đề văn hóa. Đây là quan điểm rất phù hợp với thực tế. Nghị quyết số 30 đã quy định đến năm 2010, nước ta dành 1,8% GDP cho phát triển văn hóa. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, chúng ta vẫn chưa thực hiện được. Từ đó, chúng ta có thể thấy được nhận định của Tổng Bí thư là hoàn toàn đúng.
Bàn về vấn đề giải pháp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu lên giải pháp về cán bộ. Nếu như trước đây, chúng ta có một thế hệ các nghệ sĩ nổi tiếng và nhiều tài năng thì hiện nay chúng ta có rất ít nghệ sĩ như thế. Có thể thấy rằng, công tác đầu tư đào tạo cán bộ văn hóa chưa thực sự sâu sát. Với đặc thù về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật cũng như cán bộ văn hóa nghệ thuật cần có sự đầu tư lớn. Cùng với đó, những quan điểm về văn hóa khác của Tổng bí thư cũng có nhiều điểm mới.
Nền văn hóa của chúng ta là một nền văn hóa xuyên suốt, vì thế Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi". Từ đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã xác định trọng tâm văn hóa xây dựng con người. Đây là những vấn đề mà tôi vô cùng tâm huyết.
Trong giai đoạn mở cửa vừa qua, chúng ta đã chuyển hướng sang công nghiệp văn hóa. Nhờ đó, chúng ta đã có những thành tựu. Có thể nhận thấy những thành tựu đó qua lĩnh vực điện ảnh. Nếu như trước đây chúng ta phải bỏ ra số tiền lớn đề sản xuất các bộ phim điện ảnh nhưng không có khán giả thì hiện nay, nền điện ảnh của chúng ta đã có những bộ phim đem lại doanh thu lớn, thậm chí nhiều bộ phim đã tiếp cận với điện ảnh thế giới. Mặc dù không có được nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như trước nhưng chúng ta lại có được dàn nghệ sĩ trẻ nhiệt huyết.
Cùng với đó, nền âm nhạc nước nhà cũng có nhiều khởi sắc. Tuy không có những tác phẩm hào hùng, bất hủ nhưng chúng ta cũng có được những bài hát thu hút giới trẻ.
Với nguy cơ bị xâm chiếm bởi văn hóa ngoại lai, đây là điều đáng lo ngại. Bởi lẽ nếu mất đi bản sắc văn hóa của dân tộc thì chúng ta sẽ tự đánh mất đi quê hương, gốc gác của mình. Nhìn ra thế giới, đất nước Nhật Bản là một quốc gia phát triển mạnh về kinh tế. Nhật đã mở cửa đất nước trước chúng ta cả trăm năm, tuy nhiên họ vẫn giữ được nét văn hóa của mình. Hàn Quốc cũng có quan điểm biến tất cả các sản phẩm nội địa thành những thế mạnh của mình. Đây là những điển hình tiêu biểu mà Việt Nam cần noi theo.
Hiện nay, điểm yếu của chúng ta chính là thể chế. Thời gian qua, chúng ta đã có những bất cập trong quy trình xây dựng thể chế văn hóa. Những bộ luật của chúng ta chưa thực sự cụ thể và sát với văn hóa. Nhìn rộng ra, chúng ta có thể thấy rằng các thư viện, bảo tàng hiện đã biến mất. Tiếp đó, vấn đề cán bộ cũng còn nhiều bất cập. Chúng ta đã từng có nhiều cán bộ, nhà văn hóa nổi tiếng. Tuy nhiên, một số cán bộ hiện nay chưa có đúng chuyên môn, nghiệp vụ và bản lĩnh vững vàng. Đó là những nguy cơ buộc chúng ta phải cân nhắc, xem xét và giải quyết dứt điểm để xây dựng, tạo điều kiện cho hoạt động phát triển văn hóa.
0 nhận xét:
Post a Comment