Saturday, November 20, 2021

Đọc sách cùng bạn: Số phận một người đàn bà - Ảnh 1.

Cuốn sách này in lần đầu năm 2020 và đã được nhận hai giải thưởng trong năm của Hội Nhà văn TP.HCM và Hội Nhà văn Việt Nam. Đây là bản tái bản lần hai. Điều này cho thấy cuốn sách đã được đón đọc và chia sẻ.

GÁNH GÁNH… GỒNG GỒNG…

Tác giả: Xuân Phương

Nhà xuất bản Tổng Hợp TP Hồ Chí Minh, 2021

Số trang: 301 (khổ 16x24cm)

Số lượng: 1000

Giá bán: 160.000

Quả thực, cuốn hồi ký của Xuân Phượng đã khiến người đọc hồi hộp, xúc động theo từng bước chân cuộc đời suốt chín mươi năm qua của một người phụ nữ "nổi trôi cùng đất nước". Sinh ra tại Đà Lạt trong gia đình một ông Đốc (hiệu trưởng nhà trường thời Pháp), được theo học trường Tây, cuộc đời của cô gái mang tên Nguyễn Thị Xuân Phượng sinh năm 1929 ngỡ sẽ cứ thế êm đềm trôi qua trong sung sướng. Nhưng thời cuộc thay đổi dữ dội. 

Cô nữ sinh Phượng phải rời Đà Lạt về quê bố ở Phan Rí và rồi được đưa về quê ngoại ở Huế học trường Việt. Bắt đầu từ cái năm 1945 đó, ở tuổi 16, Xuân Phượng xa gia đình thân yêu, đi theo kháng chiến. Từ Huế ra khu Bốn rồi lên Việt Bắc. Và cứ thế đường đời của bà có nhiều chặng khúc: "Từ chiến khu Việt Bắc đến lúc về Hà Nội, tôi đã trải qua nhiều nghề: vào ngành quân y, sang làm quân giới thuộc ban chế tạo thuốc nổ, làm phiên dịch tiếng Pháp, làm báo, rồi trở thành phóng viên chiến trường. Năm 1989 về hưu và năm 1991 tôi mở một phòng tranh tại thành phố Hồ Chí Minh cho đến nay".

Một cuộc đời con người như thế nói là bình thường thì là bình thường, nhưng nói là đặc biệt thì cũng lại là đặc biệt. Bởi trong cả gia đình tác giả thì chỉ có bà là theo cách mạng. Sau 1954, bố, mẹ, dì, cậu, anh chị em của bà đều ở phía Nam. Tháng 4/1975 cả gia đình bà đã rời khỏi Sài Gòn ba ngày trước khi bà với tư cách phóng viên chiến trường từ miền Bắc vào cùng các đồng nghiệp tiến vào thành phố giải phóng quay phim Dinh Độc Lập.

Bốn mươi năm sau khi bà được gặp lại mẹ mình ở Paris, mẹ không nhận ra con. Trong một bữa cơm đoàn tụ mẹ con trên đất người, bà mẹ bỗng chống đũa nhìn cô con gái cách xa bốn mươi năm gặp lại nói: "Con ơi, sao con theo họ làm chi, để gia đình ly tán, phải rời quê cha đất tổ con ơi!" Chính từ câu nói đó của người mẹ thương yêu mà Xuân Phượng đã quyết viết hồi ký kể lại đời mình. "Tôi mong muốn gia đình thương yêu hiểu rõ thêm những gì tôi đã trải qua. Và cũng vì những người trẻ chưa hề biết đến chiến tranh, tôi quyết định viết lại ĐỜI TÔI."

Người già kể chuyện xưa thường nhớ nhớ quên quên, thường hay đứt khúc tản mạn ký ức, hoặc có khi dông dài. Nhưng hồi ký của bà Xuân Phượng được viết rõ ràng, mạch lạc. Bà biết chọn sự kiện, chi tiết để kể ngắn gọn mà khơi gợi, không sa vào kể lể. Giọng kể nhẹ nhàng, điềm đạm, chất chứa nhiều tâm trạng, nỗi niềm nhưng không nặng nề, bức xúc. Chính vì thế hay nhờ thế, câu truyện cuộc đời Xuân Phượng đã khiến người đọc nhiều khi phải khóc cười trước những cảnh ngộ của bà. Tôi đã mừng vui cùng bà khi gặp lại được cậu bé Đức chín tuổi năm nào ở Vĩnh Linh, nhân vật trong những thước phim của nhà đạo diễn phim tài liệu nổi tiếng thế giới Joris Ivens, mà bà đã được phân công đi cùng vào tuyến lửa để hỗ trợ việc quay phim. Và tôi cũng đã hụt hẫng cùng bà khi bà tìm mà không gặp được ân nhân cặp vợ chồng chèo đò trên sông Lô năm 1949 đã giúp bà sinh đẻ đứa con đầu lòng. Khi bà muốn tìm gặp lại bé trai mình đã giúp ra đời trong địa đạo Vĩnh Linh năm nào và đã lấy tên mình đặt tên cho cháu theo ý nguyện của người cha cũng không tìm được. Ứa nước mắt ở những câu chuyện như vậy được kể lại trong hồi ký của bà Xuân Phượng.

Hồi ký của một người nhưng do đường đời số phận của người đó nên người đọc được biết thêm những người những việc của một thời gian khổ, khó khăn. Đọc "Gánh gánh… Gồng gồng…", người đọc theo chân tác giả sẽ được gặp những nhân vật nổi tiếng của khoa học nhân văn, của văn chương triết học trong nước như Trần Đức Thảo, Nguyễn Tuân, Nguyễn Sáng, Tô Hoài, Chế Lan Viên, Phan Vũ, Khương Mễ. Những ngôi sao ca nhạc, điện ảnh nổi tiếng ở nước ngoài như Joan Baez, Jan Fonda. Và tất nhiên là không thể thiếu đôi vợ chồng Joris Ivens – Marceline Loridan mà định mệnh đã cho Xuân Phượng được gắn kết và đã bẻ ngoặt số phận cuộc đời bà theo điện ảnh tài liệu.

Tất cả họ đã sống trong một thời kỳ chấn động của thế kỷ XX ở Việt Nam và trên thế giới. Tất cả họ đều đã dấn thân cho cuộc đấu tranh vì nhân phẩm con người. Dù những ngã rẽ về sau của cuộc đời mỗi người thế nào, qua truyện kể của Xuân Phượng họ đều hiện lên đẹp đẽ, trong sáng và cao thượng. Tác giả của cuốn hồi ký đã có dịp sống cùng họ và cùng họ đi qua những năm tháng gian khổ mà đẹp đẽ và trong sáng của tình người.

Bà Xuân Phượng đặt tên cho cuốn hồi ký của mình từ một câu hát đồng dao nước Việt. Gánh gồng hai vai việc nước việc nhà như đã là một gánh nặng từ ngàn đời trên đôi vai người dân Việt nói chung và người đàn bà Việt nói riêng. Đọc hết cuốn nhật ký của bà ta thấy bà đã can đảm và dịu dàng gánh cái gánh nặng cuộc đời mình đi hết chín phần mười thế kỷ. Bảo là số mệnh đã bắt bà phải chịu đựng thế ư? Có lẽ. Bảo là bà đã điềm nhiên chấp nhận và xoay xở với số mệnh thế ư? Có thể. Cuối cùng thì vượt qua bao gian truân khổ ải, cô gái Xuân Phương ngày nào quyết chọn con đường riêng của mình đã tới được một bến bờ viên mãn. Vâng, viên mãn, khi bà quyết định mở một phòng tranh riêng ở TP.HCM với bao mạo hiểm buổi ban đầu, để đến nay nó đã thành một địa chỉ nổi tiếng. Bà đã sống vì đất nước từ tuổi mới lớn. Đến tuổi già bà cũng vì đất nước mà sống.

Bạn hãy đọc cuốn sách xúc động sâu sắc này. Hãy đọc từ trang đầu tiên đến trang cuối cùng để gặp lời nhắn gửi của tác giả: "Chỉ mong các bạn khi mở những trang sách này, đọc một chương nào đó, bỗng xao xuyến thấy lại tuổi trẻ của mình, sẽ mỉm cười, sẽ xót thương, hay sẽ yêu mến số phận một Con Người – hơn nữa, số phận một Người Đàn Bà." Đó là lời một người nay đã ngoài tuổi 90 "bỗng cảm thấy như mình trẻ lại" khi về lại quá khứ của mình.

Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác!

Hà Nội, 20/11/2021

0 nhận xét:

Post a Comment