Những ngày "năm hết, tết đến", khán giả vẫn luôn ngóng đợi những phim hài Tết phản ánh mọi vấn đề theo lăng kính hài hước nhưng nói lên được khát vọng của người dân. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, hài Tết đã không còn giữ được vị thế "đặc sản". Nhiều sản phẩm hài nhảm, hài tục... đã khiến cho "đặc sản" trở thành "cơm nguội".
Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn Mai Long - người gắn bó với hài và hài Tết từ nhiều năm qua. Những sản phẩm của anh đã tạo được nhiều hiệu ứng tốt trên thị trường.
Hài nhảm nhí tác động tiêu cực đến khán giả nhí
Năm 2021 được xem là năm buồn nhiều hơn vui, trầm nhiều hơn thăng… khi dịch Covid-19 bao trùm và giãn cách xã hội kéo dài. Là đạo diễn gắn bó với nhiều sản phẩm hài Tết, anh nhìn nhận gì về thị trường hài tết năm nay?
Đúng như nhận định của nhiều người, năm nay là năm ảm đạm nhất của thị trường hài Tết. Nhiều nhà sản xuất vì giữ khán giả và muốn có món ăn tinh thần cho bà con nên vẫn duy trì sản xuất nhưng quy mô nhỏ hơn, nội dung đơn giản hơn, bối cảnh sơ sài hơn... So với mọi năm, có thể số lượng phim hài Tết năm nay không chênh nhiều nhưng để gọi đó là hài Tết đúng nghĩa thì chưa hẳn.
Bây giờ nhiều tiểu phẩm giải trí hay sitcom người ta cũng tự đặt là hài tết. Nên nếu khán giả tra từ "hài Tết" thì thấy rất nhiều. Nhưng hài Tết phải đúng nghĩa là "đặc sản" của những ngày xuân, trong đó mang đến nhiều tiếng cười vui vẻ nhưng thâm thúy, nói lên được nhiều vấn đề thì đang thiếu vắng dần.
Theo anh, thị trường hài Tết ảm đạm vì thiếu chất liệu để khai thác, thiếu khán giả để tiếp cận hay thiếu đơn vị tài trợ để sản xuất?
Tôi nghĩ là thị trường hài Tết ảm đạm bao gồm tất cả các yếu tố trên. Các cụ nói "Có bột mới gột nên hồ". "Bột" ở đây được hiểu là chất lượng kịch bản, ê-kíp làm việc và "bột" cũng có thể hiểu là kinh phí mà kinh phí đến từ các nhà tài trợ chiếm số lượng lớn. Tuy nhiên, do vừa trải qua một năm khó khăn nên các nhà tài trợ không dành nhiều kinh phí cho hài Tết. Việc mời các doanh nghiệp, nhãn hàng, thương hiệu tham gia quảng cáo vì thế mà khó khăn hơn rất nhiều.
Anh có thể nói rõ hơn về việc hài Tết năm nay khó khai thác chất liệu đời sống là vì những điều gì?
Thứ nhất, do Covid-19 căng thẳng kéo dài làm hạn chế sự di chuyển, bối cảnh và nhà tài trợ. Thứ hai, do những hài Tết kém chất lượng (thường gọi là nhảm nhí) làm mất vị thế của hài chất lượng nhân văn nên khán giả không mấy mặn mà. Thứ ba, nhiều năm nay, thị trường hài Tết vẫn trong tình trạng "thừa kịch bản yếu, thiếu kịch bản hay" nên khó có "bột" tốt để nặn nên "hồ".
Nhiều người cho rằng, việc tràn lan hài nhảm, hài kém chất lượng trong nhiều năm đã khiến khán giả quay lưng hẳn với hài Tết để đến với Vlog, Tiktok, Gameshow… Anh nghĩ gì về điều này?
Tôi cho rằng, nhận định này rất đúng. Chúng ta cần tôn trọng khán giả, nếu hài nhảm chỉ gây cười mà không ảnh hưởng thuần phong mỹ tục, không bậy bạ thì cũng mới chỉ đạt được tiêu chí giải trí thôi. Nhưng đã nhảm mà tục tĩu thì ảnh hưởng nghiêm trọng đến khán giả, đặc biệt là trẻ nhỏ. Những sản phẩm này sẽ định hướng tiêu cực, tác động đến hành vi trẻ nhỏ.
Là người gắn bó với hài, ăn cùng hài, ngủ cùng hài... sản xuất hài Tết, nhìn thấy thực tế này, anh có cảm thấy đau lòng?
Rất đau lòng, nó biến tướng và gây ra hậu quả khôn lường. Hài Tết là để chiếu dịp Tết - dịp lễ cổ truyền thiêng liêng của dân tộc nên phải sản xuất ra những thứ tinh túy nhất, hay ho nhất để phục vụ khán giả. Chức năng cơ bản của nghệ thuật là giải trí và giáo dục nên nếu không làm được điều đó là có lỗi với công chúng.
Theo anh, có cách nào để cứu vãn tình trạng thảm hại của hài Tết như hiện tại?
Một là cơ quan quản lý cần vào cuộc kiểm duyệt nội dung trước khi đưa ra công chúng. Hai là phân loại tác phẩm, kiểu như: C13, C16 18, hài giải trí, hài Tết… Chỉ được phép đặt tên là hài Tết khi đủ tiêu chí về nội dung, hình ảnh, thời lượng, thông điệp... Các đơn vị đại diện phát hành tại Việt Nam như: Youtube, Web phim, Truyền hình, Facebook, Tiktok... cần tạo mục riêng để người xem dễ chọn lựa và tiếp cận. Không thể đánh đồng những thứ tử tế và nhảm nhí vào chung với nhau...
Hướng đến sự nhân văn và đẹp đẽ trong từng bộ phim
Năm nay anh thực hiện những sản phẩm gì để gửi đến khán giả trong dịp Tết?
Năm nay tôi thực hiện bộ phim Tết "Chạm vào hạnh phúc. Đây là một bộ phin nhân văn, đề cao tình phụ tử thiêng liêng và những sự hy sinh cao cả, ứng nhân xử thế giữa con người với nhau. Phim phát hành trên Youtube, Web phim, VTV5, VTC, STV và các dài truyền hình địa phương.
Chạm vào hạnh phúc xoay quanh câu chuyện gia đình ông Sắn - bà Thắm cùng với hai cậu con trai Thăng và Long. Vì hoàn cảnh gia đình, mong muốn thoát khỏi cảnh nghèo khó, ông Sắn đã phải vay mượn khắp mọi nơi để cho bà Thắm được "xuất ngoại" đi làm giúp việc nơi xa xứ. Nhưng trớ trêu thay, bà Thắm đi chưa được bao lâu thì ông Sắn nhận được thư là bà không về nữa. Bà xây dựng cuộc sống mới bên đó với người khác để đổi đời, bỏ lại một mình ông cùng các con sống trong cảnh "gà trống nuôi con" với một khoản nợ lớn và gánh nặng nuôi con học đại học khiến cho bao người phải thương cảm.
Cậu con út học trên Hà Nội với tuổi trẻ bồng bột và khát vọng tình yêu đã tạo ra ngang trái giữa cái đói nghèo của ông bố cùng anh trai ở nông thôn và sự xa hoa lãng phí của mình ở nơi phố thị. Cậu con cả làm thợ xây hiền lành, thật thà nhưng sâu sắc đã "xây nên" câu chuyện tình yêu "cười ra nước mắt".
Bộ phim là sự tương phản giữa đức hy sinh cao cả của những người lớn tuổi (tình yêu, niềm thương, trách nhiệm) với sự lãng mạn đến hoang phí của tuổi trẻ. Phim là cuộc đấu tranh tư tưởng giữa con tim và lí trí, giữa hạnh phúc và khổ đau, giữa danh vọng và mất mát, giữa cái thật thà và dối trá, giữa ước mơ và thực tại…
Tại sao anh lại chọn đề tài này để làm phim mà không phải là những phim hài Tết vui vẻ như mọi năm?
Trong cuộc sống, đôi khi rất cần những khoảng lặng. Chưa hẳn lúc nào sôi động cũng vui, lúc nào trầm lắng cũng buồn. Trong cái "bi" ta tìm thấy cái "hài", trong sự hối hả ta tìm thấy những thứ sâu lắng. Và tôi nhận ra rằng tiếng cười chua chát mới đắt giá và thấm thía.
Tôi nghĩ rằng, theo thời gian và sự tiến bộ của thế giới thì thị hiểu thẩm mỹ của người Việt tăng lên, họ càng khó tính hơn nên muốn "món ăn tinh thần" cũng phải nâng cấp. Cho nên chúng tôi phải nghiên cứu nghiêm túc dựa trên thị hiếu của khán giả. Tôi muốn cái hài trong phim của mình được ẩn dưới một cách thức khác đó là cái hài trong bi, cái bi trong hài.
Tại sao anh lại mời nghệ sĩ Quách Thu Phương và Tú Oanh tham gia phim?
Hai nghệ sỹ này tạo hiệu ứng mạnh với hai vai diễn trong phim "Hương vị tình thân". Cả hai đều đã có nhiều năm tham gia nghệ thuật và diễn xuất rất tốt. Họ cũng quen thuộc với khán giả qua hình ảnh thân thiện và tươi vui. Tôi muốn mời một số nghệ sỹ chính kịch tham gia cùng các danh hài để tạo nên sự bằng và đa mầu sắc.
Việc mời được hai nữ diễn viên này đóng Chạm vào hạnh phúc vừa khó lại vừa dễ. Dễ vì cả hai vẫn đang rất hào hứng và đầy cảm xúc đối với phim ảnh sau dự án phim dài hơi Hương vị tình thân, nhất là với những phim mang lại nhiều giá trị nhân văn. Khó là bởi họ đòi hỏi rất cao về kịch bản và phong cách làm việc chuyên nghiệp. Và bản thân anh đã cố gắng xây dựng kịch bản hấp dẫn cũng như lối làm việc chuyên nghiệp để "thuyết phục" họ nhận lời.
Cảm ơn đạo diễn Mai Long đã chia sẻ thông tin.
0 nhận xét:
Post a Comment