Những tia nắng ấm áp giữa đồng quê thôn dã đôi khi cho con người ta có dịp được sống chậm lại để nhìn về những góc nhỏ bình yên mà thường ngày bị bỏ quên giữa dòng đời tấp nập, hối hả. Hoặc giản đơn là để tôi có cảm nhận sâu sắc về những tháng ngày thật đặc biệt khi thời gian cuối năm đổ về sắp cạn ngày cạn tháng...
Những tháng ngày của sự chờ đợi, của niềm thương nỗi nhớ, của hương vị mùa xuân ấm áp bên những mâm cơm đoàn viên ngày Tết, mà trong tôi có một cái tên gọi khác là mùa đoàn tựu.
Tôi nhớ những ngày tháng Chạp năm xưa, nhà tôi được lợp bằng mái lá dừa tỉ mẩn kết thành, chỉ nằm lọt thỏm giữa cánh đồng ruộng lúa mênh mông. Bên chái bếp hiên sau những ngày này luôn đỏ lửa ấm nồng, để má nấu những món ăn chan chứa tình thương. Với những người phụ nữ nông thôn như má, việc nấu ăn ngon, biết làm các loại bánh quê, thạo các món chè dân dã là điều rất đỗi bình thường. Nhưng tôi có ấn tượng mãi không quên hương vị món chả da đầu heo má làm. Đó còn là hương vị của mùa xuân, là nỗi khao khát của bao người xa quê mong được trở về bên căn nhà nhỏ mộc mạc, đơn sơ.
Những năm 1990 – 2000, phương tiện quê tôi đi lại là xuồng ba lá chạy máy dầu. Năm nào cũng độ chừng 25, 26 Tết. Cha má tranh thủ thức sớm, chuẩn bị ra chợ huyện sắm đồ Tết cho con cái, mua vài chậu bông vạn thọ chưng ba ngày rước ông bà, mua thịt, rau củ để về làm các món ngon đãi khách.
Tôi để ý thấy má mua đồ làm món chả da đầu heo gồm có: Thịt heo nạt 100%, tai heo, da heo, nấm tai mèo, các loại gia vị nêm nếm cho món ăn, mắm, muối, bột ngọt, đường... không thể thiếu lá chuối, dây để gói chả. Nguyên liệu làm khá đơn giản, nhưng để làm nên món chả ngon, lạ miệng còn do bàn tay và tâm tình của má bỏ vào nên món chả càng đặc biệt ngon.
Thịt nạc má mua ở chợ về rửa sạch, để ráo. Rồi má dùng dao bén cắt thành khúc nhỏ đều nhau. Phần da và tai heo cũng phải rửa thật kỹ. Đem phần thịt nạc, da và tai heo đi luộc cho đến khi vừa "chín tới". Tắt bếp. Vớt ra để ráo. Cắt da và tai heo thành từng lát mỏng. Nấm mèo rửa sạch, ngâm nước ấm, sau đó lấy ra, cắt sạch phần đầu nấm. Dùng kéo cắt thành sợi nhuyễn.
Tôi thấy má bắc cái chảo gang thật to chụm bằng củi quê đến khi chảo nóng đổ hỗn hợp da heo, tai heo, thịt nạc, nấm mèo nêm thêm gia vị cho vừa ăn, để lửa vừa xào đều cho đến khi hỗn hợp vừa tươm mỡ thì nhanh tay tắt bếp. Đây là cách làm rất lạ của má tôi nhưng khi tôi và người thân trong nhà ăn, miếng chả rất dẻo trong, ngon, mang phong vị riêng của má. Sau đó, má dùng chiếc đũa bếp chau chuốt, trộn đều sao cho hỗn hợp nguội hẳn. Cuối cùng, má rắt thêm tiêu nguyên hạt cho dậy mùi thơm.
Công đoạn để thành phẩm là gói chả. Cha tôi ra vườn rọc lá chuối, đem vô nhà lau sạch bụi, luộc sơ qua nước sôi, có năm cha hơ qua lửa mục đích để làm giảm độ giòn của lá hoặc tốt nhất là phơi lá ngoài nắng cho mềm, dai tự nhiên, để má tôi dễ gói và tạo hình đòn chả sẽ đẹp hơn.
Má chọn những tấm lá đẹp nhất, to nhất, sắp xếp ngay ngắn. Sau đó, lấy tất cả hỗn hợp cho vào ngay giữa lá chuối và gói thành hình trụ, có năm má dùng lon gô sữa để định hình cho đòn chả. Tôi thấy má dùng dây ni lông hay dây chuối để buộc thật chặt đòn chả, má không quên để thêm mấy chiếc đũa tre cho đòn chả dẻ và đẹp hơn. Gói kỹ hai phần đầu sao cho hỗn hợp được giữ cân đối và đều nhau. Vậy là đã làm xong những đòn chả da đầu heo do má làm. Món này ngon hơn khi ăn kèm dưa cải chua, dưa củ kiệu hay rau muống đồng muối chua... càng không thể thiếu chắm cùng muối tiêu tắt hoặc ít chanh cắt lát. Phải nói ngon không gì bằng!
Thời buổi hiện đại như ngày nay, chỉ cần ra chợ hay siêu thị là có ngay những món làm sẵn. Có thể, cái ngon cảm nhận bằng vị giác ở lại trong tâm trí người ta một khoảnh khắc chốc lát thôi nhưng cái ngon thôi miên con người ta trong suốt những năm tháng sau này lại xuất phát từ tình yêu thương vô bờ bến của má, của sự tảo tần sớm hôm mong ngóng con cháu trở về nhà đoàn tựu khi Tết đến xuân về là điều vô cùng thiêng liêng.
Cho dù, bằng cách này hay cách khác hãy trở về nhà, về để được ấp ôm trong vòng tay của má. Được nhìn thấy ánh mắt trìu mến của cha. Để chúng ta đủ thấu hiểu và yêu thương nhiều hơn sau những ngày khó khăn đã qua,...đó còn là niềm vui, sự hạnh phúc của cha má mình. Và hơn thế, là cùng nhau hưởng một cái Tết mang hương vị mùa xuân ấm áp và an lành...
Cuộc thi "Ký ức Tết trong tôi" của báo điện tử Dân Việtmở ra với mong muốn nhận được những bài viết (thể loại báo chí phản ánh, ghi chép, bút ký, tản mạn chưa đăng tải trên báo chí - BTC) chia sẻ những suy tư, cảm xúc, những câu chuyện có thật của bạn đọc về những ngày Tết trong quá khứ, những hình ảnh, cảm xúc theo năm tháng vẫn còn in đậm trong tâm trí mỗi người. Để từ đó, chúng ta trân trọng và nâng niu hơn những khoảnh khắc mà ta đang sống.
Các bài dự thi viết bằng tiếng Việt, chưa từng đăng trên ấn phẩm báo chí nào. Các bài viết gửi về tòa soạn báo điện tử Dân Việt theo địa chỉ email vhxh.ntnn@gmail.com trong thời gian 10 ngày, từ ngày 29/1 (tức 27 Tết) tới hết ngày 7/2 (tức mồng 7 Tết Nguyên đán Nhâm Dần), điện thoại liên hệ: 0979270846. Các bài viết có độ dài tối thiểu 600 chữ, tối đa 1.500 chữ, kèm theo ít nhất 2 - 3 ảnh thực tế phản ánh trong bài viết, có chú thích rõ ràng.
Các bài dự thi gửi về tòa soạn phải ghi rõ tiêu đề "Bài dự thi "Ký ức Tết trong tôi" của báo Dân Việt", trong đó ghi rõ họ tên, tuổi, số CMT hoặc CCCD, địa chỉ (rõ ràng để có thể liên hệ), số điện thoại và tài khoản ngân hàng. Trong trường hợp tác phẩm được đăng tải, Tòa soạn có thể gửi nhuận bút cho các tác giả ở xa thuận lợi nhất.
Ban Tổ chức sẽ lựa chọn những bài viết chất lượng nhất để đăng tải trên báo điện tử Dân Việt, sau đó tiến hành chấm giải với những bài được đăng và làm lễ trao giải sau Tết. Các bài đoạt giải sẽ được công bố trên báo điện tử Dân Việt.
0 nhận xét:
Post a Comment