Tuesday, January 11, 2022

Cách đây ba bốn chục năm, vùng đất Quế Sơn (Quảng Nam) quê ngoại tôi nổi tiếng với nghề trồng mía và nghề thủ công làm đường bát. Do là nghề thủ công nên chiếc che mía đã trở thành vật dụng không thể thiếu đối với nghề làm đường bát nổi tiếng một thời của vùng đất này. Sự hiện diện của bộ che mía đã trở thành một hình ảnh thân quen và nó đóng một vai trò quan trọng làm nên những bát đường ngọt ngào, tinh khiết của vùng quê xứ Quế và một thời đã đem lại cuộc sống no ấm, đủ đầy cho những người nông dân một nắng hai sương nơi vùng quê nghèo.

Kể chuyện làng: Thương nhớ một thời che mía - Ảnh 1.

Cấu tạo của che mía gồm ba trục. (Ảnh: Lâm Đăng Khoa)

Ngày nay, việc bắt gặp hình ảnh chiếc che mía với con trâu hay bò kẽo cà kẽo kẹt đi quanh trong những vụ thu hoạch mía, ép đường ở các vùng quê đất Quảng chỉ còn là chuyện trong dĩ vãng. Ngay cả đối với những người sinh sau đẻ muộn trên vùng đất xứ Quế này, không hẳn ai cũng biết về chiếc che mía, riêng đối với tên gọi "che" đầy dân dã, gần gũi nhưng không ít người cũng mơ hồ không hình dung ra hình thù của nó như thế nào. 

Mà cũng phải thôi, bởi cách đây hai ba chục năm có ai còn dùng che để ép mía nữa đâu mà biết. Những phương pháp làm đường hiện đại, tiên tiến, ít tốn công sức đã thay thế những phương pháp làm đường thủ công, tốn sức hao công ...

Trước đây, có được một bộ che mía là niềm mơ ước lớn nhất của biết bao gia đình trồng mía, thậm chí là niềm mong mỏi của cả làng. Những gia đình giàu có hoặc ba bốn gia đình trồng mía khá giả trong làng chung lại mới có thể sắm được một bộ che để ép mía. Tôi nghe mẹ tôi kể rằng, để sắm bộ che ép mía, ông bà ngoại bàn đi tính lại rất kỹ lưỡng và ông ngoại chọn ngày lành, tháng tốt thuê người lên núi tìm đốn những loại gỗ tốt, ưng ý rồi vận chuyển về làng sau đó thuê những người thợ mộc có tay nghề giỏi đẽo gọt cả tháng trời mới hoàn thành được một bộ che mía. 

Vì phải chịu lực ma sát rất cao trong quá trình ép mía nên che mía phải được làm bằng những loại gỗ cứng, lâu năm như gỗ lim, kiền kiền, dẽ... cùng lắm thì dùng gỗ mít lâu năm trong vườn nhà. Việc đẽo gọt, chế tác che mía cũng đòi hỏi kinh nghiệm và kỹ thuật cao vì một bộ che mía bao gồm rất nhiều chi tiết phức tạp, lại làm hoàn toàn bằng gỗ, lắp ghép bằng mộng và điều cơ bản là tất cả những chi tiết, cấu kiện phải ăn khớp nhịp nhàng với nhau để lúc vận hành khi ép mía không gặp bất cứ một sự cố nào dù nhỏ nhất.

Kể chuyện làng: Thương nhớ một thời che mía - Ảnh 2.

Ép mía sử dụng bộ che và sức kéo của trâu bò. (Ảnh Tư liệu)

Một bộ che ép mía hoàn chỉnh gồm có 3 trục hình trụ tròn (được gọi là ống che) được đặt liền kề nhau (gồm một trục cái và hai trục con), bao quanh phần trên của mỗi trục người ta đục các nhông (hay còn gọi là bông), khi quay chúng ăn khớp vào nhau và làm cho cả ba trục đều quay. Phía trên 3 trục này có một thanh gỗ lớn (gọi là phủ che) để giữ cố định phần trên của các ống che và để buộc ách cho trâu hoặc bò kéo. Phía dưới các trục là mông che để giữ cố định phần dưới của ống che và đựng nước mía chảy ra trong quá trình ép. 

Bộ che mía thông thường dài khoảng 2m, rộng 0,7m và cao 1m. Các ống che có thể lớn nhỏ tuỳ thuộc vào ý thích của chủ che và kích cỡ của cây gỗ tìm được, thường thì ống cái có đường kính khoảng 45cm và ống con có đường kính khoảng 40 cm. Để ép mía, người ta cho cây mía vào giữa hai ống che rồi dắt trâu, bò (có cột ách nối với trục che cái) đi vòng quanh che. Khi trâu, bò di chuyển, nó làm quay chiếc trục cái và chiếc trục cái làm quay hai chiếc trục con nhờ những nhông gỗ được đục ăn khớp với nhau. Mía được ép chảy ra nước giữa các trục và nước mía được người ta hứng ở phần mông che, sau đó cho vào chảo to để nấu thành đường.

Kể chuyện làng: Thương nhớ một thời che mía - Ảnh 3.

Ngày nay che ép cơ giới đã thay thế che gỗ ngày xưa. (Ảnh-Tư liệu)

Ngày xưa, hai ba làng mới có được một bộ che mía và đến mùa thu hoạch thì chủ che cho các gia đình trồng mía thuê để ép mía nấu đường. Do số lượng che trong vùng có hạn nên thông thường chủ che thường cho thuê theo kiểu "cuốn chiếu", làm xong nhà này thì qua nhà khác, làm hết ở làng này thì sang làng bên. Trâu, bò kéo che thì do những gia đình trồng mía lo liệu, người chủ che ít khi dắt trâu bò theo họ chỉ chịu trách nhiệm vận hành và sửa chữa che mía khi gặp sự cố. 

Cứ như thế chủ che đi đến hết làng này đến làng khác trong suốt mùa làm đường cho đến khi nào xong mới về nhà. Những chủ mía lo việc ăn ở, cơm nước cho chủ che, trả công hao mòn che và chi phí thuê mướn cho chủ che bằng tiền hoặc bằng đường tuỳ theo thoả thuận của đôi bên. Cứ mỗi mùa thu hoạch ép mía, chủ che có thể kiếm được một số tiền kha khá nhờ vào việc cho thuê che. 

Một phần số tiền này được dùng vào việc sửa chữa, nâng cấp bộ che để tiếp tục cho thuê vào những vụ thu hoạch mía sau... Mẹ tôi kể, chính vì độ "hiếm" của che ép mía mà mỗi khi vào vụ mía ông ngoại tôi ít khi có ở nhà. Bởi ông thường "hộ tống" che mía đi khắp làng trên xóm dưới ép mía cho bà con trong làng. Chính vì thế, nghe đâu khoảng hai ba mùa mía, ông ngoại tôi đã lấy lại được "vốn" sắm che.

Ngày nay, hình ảnh những ruộng mía xanh mướt, bạt ngàn với những bông mía trắng phau phất phơ trong gió rất hiếm khi gặp ở những vùng nông thôn xứ Quảng. Cái khoảnh khắc được đi trên những con đường làng hai bên bã mía phơi dày đặc, hay hít hà cái không khí thơm ngát mùi đường non trong mùa làm đường bát chỉ có lẽ còn trong ký ức. 

Riêng với tôi vẫn còn thấy thiêu thiếu một cái gì đó rất gần gũi, dân dã đã gắn bó bao đời nay với những người trồng mía, đó là bộ che ép mía bằng gỗ do trâu hoặc bò kéo. Dò la, thăm hỏi, cất công đi tìm với mong ước may sao vẫn còn... để tận mắt chứng kiến hình thù nó như thế nào để mai này nếu lỡ cháu, con có hỏi: ngày xưa người ta làm đường như thế nào? thì biết mà trả lời.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!

0 nhận xét:

Post a Comment