Thursday, February 3, 2022

Có lẽ, đã rất lâu rồi đêm giao thừa trước bàn thờ gia tiên Tết Nhâm Dần năm nay gia đình tôi mới bắt gặp cái lạnh tê tái của mùa đông Tây Bắc. Cái lạnh cắt da cắt thịt như cái ngày xưa lúc mấy chị em tôi còn nhỏ. Chị cả xuýt xoa:

- Đúng là không khí ngày Tết của mấy chị em mình ngày xưa nhỉ. Đứa nào cũng tranh nhau được canh nồi bánh chưng bố gói để được sưởi ấm bên bếp lửa rực hồng, không bị mẹ sai hết việc này việc nọ.

Bài dự thi "Ký ức Tết trong tôi": Dư vị của những ngày Tết cũ - Ảnh 1.

Ảnh bố bế tác giả và người chị cả được chụp vào năm 1985. (Ảnh: TGCC)

Câu nói gợi lại những kỷ niệm xưa ấy của chị như nhắc chúng tôi hoài niệm về những năm tháng tuổi thơ đầy khó nhọc của bố và mẹ nuôi lớn mấy chị em và luôn cố lo cho chúng tôi "bằng bạn bằng bè", ký ức về những cái Tết của gia đình 5 người trong ngôi nhà nhỏ lợp giấy dầu rồi sau này bố mẹ tôi "giàu" hơn chúng tôi được chuyển về ở ngôi nhà ngói đẹp gần nhất xóm. 

Ký ức làm khóe mắt tôi cay cay. Tôi không biết tại ký ức như thước phim quay chậm lúc chúng tôi còn có bố đón những cái Tết cổ truyền của dân tộc đầy ấm cúng chứa đựng trọn vẹn tình thương yêu đong đầy hay mùi nhang trầm phảng phất khắp gian phòng thờ của mẹ khiến tôi chảy nước mắt. Bỗng dưng chúng tôi nhớ bố đến quay quắt, nỗi nhớ bố cứ đong đầy mỗi độ Tết đến xuân về. 13 năm qua bố tôi  cưỡi hạc xe mây về thiên đàng nơi không có đau đớn của bệnh tật, không có nỗi ưu phiền. Nơi ấy chắc hẳn chỉ toàn niềm vui và hạnh phúc, nhưng cũng ở nơi đó, bố không có mẹ cùng mấy chị em tôi như ngày xưa.

Ngày ấy, khoảng những năm 1991, chúng tôi còn rất nhỏ. Chị cũng đã hơn 10, tôi bước vào tuổi thứ 8 cậu út là bé nhất. Cứ mỗi dịp hoa đào Tây Bắc bừng nở trên những triền đồi hay những vườn mận mơ hoa trắng xóa là chúng tôi biết Tết đã về. Cùng với mùa xuân về là khoảng thời gian bố với mẹ ở nhà cùng mấy chị em ít. Bố tôi mỗi ngày lại tăng thêm chuyến, cố gắng mang hàng tạp hóa trên chiếc xe đạp thồ chở vào bản như phụ tùng xe đạp, thuốc lào có khi cả bánh kẹo, mứt Tết đổi với bà con gạo, ngô, đỗ mang ra thị trấn bán kiếm lời. Bố hay cười trấn an mẹ sau mỗi chuyến hàng về muộn: "Tôi cố mấy chuyến nữa kiếm thêm nhân thịt cho bọn trẻ trong chiếc bánh chưng, mẹ mày cố gắng mang hàng tôi đổi được ra chợ bán. Bán càng nhiều mình có thêm áo mới cho các con...". Mẹ cười đấy nhưng đôi mắt cụp xuống vì xót bố.

Tết gần kề cũng đồng nghĩa mùa đông quê tôi rất lạnh. Cái lạnh của sương muối sáng sớm, cái lạnh của những đợt không khí lạnh tăng cường khiến mấy đứa chúng tôi nằm trong chăn ấm vẫn không dám thò mặt ra bởi gió lùa bất cứ ngõ ngách ô thoáng nào của ngôi nhà. Vậy mà, bố vẫn rong ruổi trên chiếc xe đạp thồ hàng đi bán.

Bài dự thi "Ký ức Tết trong tôi": Dư vị của những ngày Tết cũ - Ảnh 2.

Không khí Tết tại gia đình. (Ảnh: TGCC)

Để rồi, sớm tinh mơ của 28 Tết bố tôi sẽ đi đụng thịt lợn với nhà hàng xóm để nhận phần thịt, xương về gói giò xào, gói bánh chưng. Trong ký ức của chúng tôi cứ gần Tết nhà tôi không năm nào phải mua lá dong cả. Mẹ tôi luôn có một vườn lá bánh tốt tươi, vườn lá ấy đã có người giúp mẹ đem ra chợ bán. Đó chính là tôi - con bé có máu kinh doanh di truyền từ bố mẹ. 

Lá dong mẹ trồng chăm kỹ càng nên lá đều, to. Mang ra chợ đêm bán chỉ một loáng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ. Gạo nếp bố tôi đi bản đổi được thứ gạo nếp nương hạt tròn mẩy bóng gói bánh vừa rền lại dẻo. Đỗ cũng được bố tôi đổi trong bản. Tối 28 Tết, chẳng ai bảo ai theo nếp nhà cũ của những năm trước, gạo mẹ đã ngâm xóc muối vừa tầm, đỗ mẹ đồ bở tơi nắm từng quả nhỏ, thịt ba chỉ bố thái miếng to bản ướp đủ gia vị, lá dong chị cả rửa sạch, lau lá là trách nhiệm của tôi. Cậu út còn bé cứ lăng xăng mè nheo: "Bố gói bánh cho út ăn đi". Vừa gói bánh bố vừa chỉ dẫn mấy chị em cách gói sao cho chiếc bánh vuông vức, đều tay. Bố luôn chẹp miệng:

- Thấy bánh chưng xanh, thấy giò xào bố gói là mấy đứa biết thấy gì không ?

Cả 3 đứa đồng thanh:

- Là thấy Tết à bố ?

Bố cười, nụ cười hiền từ ra dấu "nhất trí". 29 Tết nồi bánh chưng bố gói đã được bắc lên bếp từ 4h sáng. Khi ấy bố với mẹ đã dậy từ lúc nào còn mấy đứa sau một buổi tối ngồi lau lá, cắt lá phụ bố mồm đứa nào cũng kêu đau lưng leo lên giường ngủ một mạch tới tận 6h sáng. Đến khi nghe loáng thoáng câu bố khua mấy chị em: "Đứa nào dậy sớm nhất bố cho đi chợ cùng". Y rằng câu nói như có phép thôi miên, cả 3 chị em lồm cồm bò dậy. Cuối cùng người được đi với bố luôn là tôi - "cô hai" chăm chỉ (biệt danh bố hay gọi tôi lúc bé). Chị cả cùng cậu út ở nhà trông nồi bánh chưng đang rực hồng lửa sôi sùng sục. 

Đến bây giờ, khi mấy chị em tôi khôn lớn trưởng thành ai cũng có gia đình riêng của mình cùng những đứa trẻ thì lời dạy của bố khi xưa vẫn luôn là một trong những bài học lớn để hàng năm, mỗi dịp Tết đến xuân về mấy chị em tôi lại đem ra dạy từng chút ít cho các cháu nội, cháu ngoại của bố. Cũng như bố ngày ấy, chúng tôi muốn thổi vào tâm hồn bọn trẻ niềm tự hào về truyền thống gia đình, dạy cho chúng biết cách gìn giữ những nét phong tục tập quán lâu đời của dân tộc qua chính những cách làm, cách chế biến món ăn để từ đó chúng biết trân quý, gìn giữ, phát huy những gì là đẹp nhất, tinh hoa nhất của nền văn hóa chúng đang được thừa hưởng. 

Xã hội dẫu có hiện đại, cuộc sống dẫu có đủ đầy hơn thời của chúng tôi, ông bà chúng khi xưa nhưng những gì thuộc về nếp nhà, thuộc về truyền thống tôi vẫn mong các con học được và lưu truyền. Làm được như vậy tôi nghĩ mỗi năm khi Tết đến mới là cái Tết của tình đoàn viên, Tết của tình thân và Tết của sự sum vầy mới đúng nghĩa, trọn vẹn.

Cuộc thi "Ký ức Tết trong tôi" của báo điện tử Dân Việt mở ra với mong muốn nhận được những bài viết (thể loại báo chí phản ánh, ghi chép, bút ký, tản mạn chưa đăng tải trên báo chí - BTC) chia sẻ những suy tư, cảm xúc, những câu chuyện có thật của bạn đọc về những ngày Tết trong quá khứ, những hình ảnh, cảm xúc theo năm tháng vẫn còn in đậm trong tâm trí mỗi người. Để từ đó, chúng ta trân trọng và nâng niu hơn những khoảnh khắc mà ta đang sống.

Các bài dự thi viết bằng tiếng Việt, chưa từng đăng trên ấn phẩm báo chí nào. Các bài viết gửi về tòa soạn báo điện tử Dân Việt theo địa chỉ email vhxh.ntnn@gmail.com trong thời gian 10 ngày, từ ngày 29/1 (tức 27 Tết) tới hết ngày 7/2 (tức mồng 7 Tết Nguyên đán Nhâm Dần), điện thoại liên hệ: 0979270846. Các bài viết có độ dài tối thiểu 600 chữ, tối đa 1.500 chữ, kèm theo ít nhất 2 - 3 ảnh thực tế phản ánh trong bài viết, có chú thích rõ ràng.

Các bài dự thi gửi về tòa soạn phải ghi rõ tiêu đề "Bài dự thi "Ký ức Tết trong tôi" của báo Dân Việt", trong đó ghi rõ họ tên, tuổi, số CMT hoặc CCCD, địa chỉ (rõ ràng để có thể liên hệ), số điện thoại và tài khoản ngân hàng. Trong trường hợp tác phẩm được đăng tải, Tòa soạn có thể gửi nhuận bút cho các tác giả ở xa thuận lợi nhất.

Ban Tổ chức sẽ lựa chọn những bài viết chất lượng nhất để đăng tải trên báo điện tử Dân Việt, sau đó tiến hành chấm giải với những bài được đăng và làm lễ trao giải sau Tết. Các bài đoạt giải sẽ được công bố trên báo điện tử Dân Việt.

0 nhận xét:

Post a Comment