Sáng qua (12/3), UBND quận Cầu Giấy đã long trọng tổ chức lễ gắn biển tên phố Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Như Uyên và Nguyễn Bá Khoản. Phố Lưu Quang Vũ và phố Xuân Quỳnh giao cắt nhau, chiều dài mỗi phố hơn 400 m, rợp bóng mát phượng vỹ, bằng lăng.
Cụ thể, phố Xuân Quỳnh bắt đầu từ ngã ba giao cắt phố Vũ Phạm Hàm, đối diện Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 (số 5 Vũ Phạm Hàm) đến ngã ba giao cắt đối diện tòa nhà Trung Yên Plaza (UDIC) tại phường Trung Hòa; dài 470 m, rộng 10 m, vỉa hè mỗi bên rộng 2 m.
Phố Lưu Quang Vũ từ ngã ba giao cắt đường Nguyễn Khang tại số nhà 69 đến ngã ba giao cắt ngõ 22 Trung Kính, đối diện trường THCS Yên Hòa. Chiều dài phố là 430 m, rộng 17,5 đến 26 m, vỉa hè mỗi bên từ 5 đến 6,5 m.
Có mặt tại sự kiện này, anh Lưu Minh Vũ – con trai của nhà thơ Lưu Quang Vũ và vợ chồng anh Lưu Tuấn Anh – con trai của nhà thơ Xuân Quỳnh rất vui mừng và hạnh phúc. Cả hai không giấu được niềm xúc động ánh lên trong ánh mắt và nụ cười.
Nhà báo Lưu Minh Vũ đã chia sẻ với Dân Việt về những cảm xúc của mình.
Cảm xúc anh như thế nào khi bố má mình là nhà thơ – nhà viết kịch Lưu Quang Vũ và nhà thơ Xuân Quỳnh được đặt tên đường tại Hà Nội?
Cảm xúc của tôi lúc này cũng giống như mọi người thôi, có người thân được đặt tên phố là điều tự hào, hãnh diện và vui mừng. Tôi rất trân trọng tình cảm của chính quyền, nhân dân TP. Hà Nội đã dành cho bố Vũ và má Quỳnh của tôi.
Thực sự, đây là một niềm vui không chỉ riêng với tôi mà với cả các thành viên trong gia đình. Điều mà nhiều cô chú, anh chị em trong gia đình đã mong ngóng từ lâu vì ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Định… tên của bố Vũ và má Quỳnh đã có lâu rồi, nay ở Hà Nội – nơi hai người sinh ra và gắn bó lại tiếp tục có tên đường thì càng phấn khởi.
Thực ra đặt tên phố là một sự ghi nhận và tôn vinh của xã hội dành cho các danh nhân, cho đất nước. Vì thế, ai cũng mong muốn, ai cũng mong mỏi từng ngày. Việc được tên đường cũng giống như việc dựng bia hậu ngày xưa ấy. Thời gian có thể xòa mờ đi nhiều thứ nhưng bia thì vẫn còn mãi với nhân gian.
Có một điều mà mỗi lần tôi nghĩ đến lại "reo vui" trong lòng đó là vì bố Lưu Quang Vũ và má Xuân Quỳnh đều là những "tâm hồn thơ" của thời hiện đại nên nhiều người đương thời biết rất rõ họ là ai. Thậm chí, có nhiều người dân ở đây còn thuộc thơ của cả hai người và cảm thấy hãnh diện vì được sống trên con phố của nhà thơ mình yêu thích.
Anh nhìn nhận như thế nào về vị trí của hai con phố Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ?
Phố Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ đều nằm ở hai vị trí trung tâm của phường Trung Hòa và phường Yên Hòa thuộc quận Cầu Giấy. Quận Cầu Giấy là quận đang có tốc độ phát triển khá mạnh và có rất nhiều con phố chưa được đặt tên.
Tôi không có suy nghĩ gì về vị trí của hai con phố cả, được đặt tên đường là vui mừng lắm rồi. Không cần gì phải phố đẹp, phố to, phố dài. Bố tôi, má tôi còn sống mà biết được điều này cũng vui thôi, có tên phố là vui rồi, dù bất cứ ở đâu.
Tôi quan sát thì thấy quanh phố Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh có nhiều quán cà phê rất đẹp. Điều này làm tôi liên tưởng đến bài thơ "Quán cà phê ngoại ô" của bố tôi. Bài thơ có những câu rất thú vị:
Quán cà phê ngoại ô
Căn nhà gỗ bộ ghế bàn thấp nhỏ
Mảnh vườn tối với những pho tượng cổ
Bức sơn dầu đã cũ
Nắng chiều phố vắng ven sông
Ông chủ quán gầy bạc phếch chiếc quần nhung
Cô con gái mắt đen dài ngơ ngác
Cái máy hát ở góc phòng khẽ hát
Phơ-răng-xoa Hác-đy
Cô danh ca người Pháp giọng trầm khàn
Cháy trên lò tí tách ngọn lửa xanh
Khi mưa đổ bất thần ngoài cửa sổ
Mười bảy tuổi chúng ta thường tới đó
Nói rất nhiều về những cửa biển xa
Cái tuổi trẻ ồn ào mà cay cực của ta
Trước ngưỡng cửa cuộc đời mênh mông khu rừng tối....
Dĩ nhiên, con phố này không đến mức nằm ở ngoại ô nhưng mà khi ai thuộc bài thơ này và khi qua đây uống cà phê, chắc hẳn người ta sẽ nhớ nhiều về Lưu Quang Vũ. Những người sống ở phố Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ gặp tôi tâm sự, có nhiều danh nhân sống xa với thời hiện đại nên khi nhìn tên phố họ phải tra Google, còn bố má tôi thì gần với thời của họ nên họ rất chi là phấn khởi.
Nghĩ ra viễn cảnh xa xôi hơn, chẳng hạn có bạn trẻ nào đó ngồi phố Xuân Quỳnh làm bài thơ rồi ghi là ngày tháng năm, làm thơ trên phố Xuân Quỳnh. Trước đây, khi đi qua phố Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Tưởng, Tố Hữu… cũng vẫn thường hay nhớ lại những tác phẩm văn của họ. Và nhiều lần tôi nghĩ mình sẽ sống làm sao cho tốt, như những điều đẹp đẽ và nhân văn mà các nhà văn – nhà thơ đã viết trong tác phẩm của mình.
Được biết, anh có ý định sẽ trồng một số cây táo trên phố Lưu Quang Vũ?
Đúng thế, tôi đang định trồng một số cây táo trên con phố mang tên ba tôi. Vì nhiều người biết rõ, ba tôi có bài thơ "Phố ta" rất nổi tiếng và được nhiều thế hệ thuộc nằm lòng.
Phố của ta
Những cây táo nở
Mùa thu đấy
Thân cây đang tróc vỏ
Con đường lát đá
Nghiêng nghiêng trong sương chiều.
Năm nay cà chua chín sớm
Trên quầy hàng đỏ hồng
Chị thợ may đi lấy chồng
Chị thợ may góa bụa
Năm nay thôi mặc đồ đen.
Bác đưa thư, có thư ai đấy?
Bác đưa thư kéo chuông
Ti-gôn hoa nhỏ
Rụng đầy trước hiên.
Riêng bác thợ mộc già buồn bã
Thở khói thuốc lên trời
Anh thợ điện trên mái nhà mắc dây
Bà giáo về hưu ngồi dịch sách
Dạy cậu con tiếng Pháp
Suốt ngày chào: bông-giua
Phố của ta
Phố nghèo của ta
Những giọt nước sa
Trên cành thánh thót
Lũ trẻ lên gác thượng
Thổi bay cao bao bong bóng xà phòng.
Em chờ anh trước cổng
Con chim sẻ của anh
Con chim sẻ tóc xù
Con chim sẻ của phố ta
Đừng buồn nữa nhá
Bác thợ mộc nói sai rồi
Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa
Tại sao cây táo lại nở hoa
Sao rãnh nước trong veo đến thế?
Con chim sẻ tóc xù ơi
Bác thợ mộc nói sai rồi
Bài thơ này, cụ thể là tứ thơ "Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa/Tại sao cây táo lại nở hoa" cũng là nguồn cảm hứng cho bộ phim truyền hình dài tập "Cây táo nở hoa" từng gây sốt trên màn ảnh năm 2021.
Với những người yêu thơ Lưu Quang Vũ thì chỉ cần đi qua con phố này, nhìn thấy cây táo đang trổ hoa hoặc trĩu quả, là người ta sẽ nhớ ngay đến bài thơ này. Còn đối với những người chưa biết đến bài thơ thì nhìn cây táo trổ hoa và trĩu quả trên một con phố giữa lòng Thủ đô cũng là một ấn tượng đáng nhớ.
Năm nay tròn 80 năm sinh nhật nhà thơ Xuân Quỳnh. Anh có kế hoạch gì trong việc kỉ niệm ngày sinh của má mình?
Gia đình cũng mong muốn làm một đêm thơ nhạc về má Xuân Quỳnh. Nhưng để làm được điều này không hề dễ bởi những bài hát phổ nhạc từ thơ Xuân Quỳnh thì công chúng đã biết hết rồi. Tôi nghĩ, có thể làm thêm, làm mới hơn những bài thơ bài nhạc hoặc có những cách gì đấy thể hiện khác hơn một chút. Đấy cũng là cách cho khán giả bây giờ nhìn nhận văn học ngày xưa theo cách mới, đưa những tác phẩm đó đến gần gũi hơn với công chúng.
Cảm ơn nhà báo Lưu Minh Vũ đã chia sẻ thông tin!
0 nhận xét:
Post a Comment