Rong ruổi nơi Sài Gòn phố thị đã bốn năm, mang vác trên vai không chỉ là hình hài cuộc sống tự lập khi không có mẹ bên cạnh, mà còn là những vị nhớ da diết cứ réo gọi trong tim về một ngôi nhà liêu xiêu đổ bóng giữa trưa hè miền Trung nắng "như thiêu như đốt". Về một bóng lưng người mẹ hiền lờ mờ ẩn mình sau làn khói bếp vào buổi chiều mùa đông tê tái đang cặm cụi thổi lửa bên nồi sắn luộc thơm lừng. Nồi sắn đã theo gót tuổi thơ tôi, giờ đây bỗng nhớ lạ nhớ lùng.
Sắn là loại lương thực thứ yếu có mặt trong mọi bữa ăn của người Việt trước đây. Thời xưa "củi quế gạo châu", ngặt nỗi cái đói cái nghèo đeo bám dai dẳng nên người ta chỉ có thể quanh quẩn bên những đĩa sắn thay cho chén cơm trắng để lấp đầy chiếc bụng đói qua ngày. Sáng, trưa, chiều, tối với những củ sắn bùi bùi đã khiến nhiều đứa trẻ nông thôn như tôi thấy ớn đến tận óc và thầm mong ước về một cuộc sống tương lai được hưởng thụ của ngon vật lạ, sơn hào hải vị có ở trên đời. Vậy mà khi trưởng thành, được đặt chân đến nhiều vùng đất mới lạ, thưởng thức nhiều món ẩm thực khác nhau, lòng tôi vẫn thèm khát cái vị chân chất, mộc mạc từ nồi sắn luộc thơm thảo của mẹ.
Sắn luộc tuy không phải là một món ăn cầu kỳ, xa hoa và khó chế biến như những món ăn đắt đỏ ở phố. Nhưng để có được một đĩa sắn thơm ngon, chuẩn vị thì người nấu phải đặt cả tâm huyết của mình vào đó. Từ khâu chọn lựa cho đến khâu chế biến. Mẹ bảo sắn ngon nhất là lúc còn tươi mới đem về nấu ngay để tránh trường hợp củ sắn sẽ mọc lên những đường gân màu xám, khi đó ăn sẽ rất độc. Ban đầu lúc mang về nhà, mẹ phải lau sơ qua, để tay thật ráo rồi mới tiến hành gọt vỏ vì những củ sắn được "sinh ra" từ dưới lớp đất đá nên bên ngoài lớp vỏ màu nâu thẫm lúc xới lên thường bám một lớp đất khá dày. Vỏ sắn khác với vỏ khoai lang, vỏ sắn chứa nhiều độc tố gây hại cho sức khỏe, nên cần phải bóc hết lớp vỏ đi. Nhìn đôi bàn tay khéo léo, thuần thục của mẹ khi đưa mũi dao rạch một đường theo chiều dọc củ sắn, rồi tách lớp vỏ ấy ra, tự nhiên tôi hiểu ra rằng, những vết thương chai sạn dần theo năm tháng hằn lên từng ngón tay của mẹ là xuất phát từ đâu. Để có được một nồi sắn mà bất kỳ ai thưởng thức cũng xuýt xoa thương nhớ như thế, nhiều lần mẹ đã vô tình làm đau chính mình.
Sau khi hoàn thành xong bước bóc vỏ, mẹ sẽ lại tiếp tục ngâm sắn với nước sạch hoặc nước muối khoảng chừng vài tiếng. Nhìn thì đơn giản nhưng món ăn này tiêu tốn khá nhiều thời gian. Nước sắn đem luộc lần một sẽ được đổ đi để loại bỏ hoàn toàn những chất độc còn sót lại, sau đó được bắc lên bếp để nấu lần hai. Mẹ bảo lần này quan trọng, phải châm nhỏ lửa cho đến khi nào thấy củ sắn khô sém là vừa. Nếu để lửa quá lớn, sắn sẽ dễ bị cháy. Vậy mà đã vài ba lần, tôi cứ mải mê bấm điện thoại, kết quả là nồi sắn luộc của mẹ chuyển sang một màu đen sì, thiếu một chút nữa thôi thì chái bếp sau nhà đã biến thành đống than vụn.
Sắn sau khi đã luộc xong sẽ có màu trắng ngà, hương thơm hấp dẫn kèm với vị ngọt, bùi và mềm bở. Thời xưa, đến công đoạn này là người ta đã có thể thưởng thức thành quả có được. Nhưng ngày nay với nhiều cách chế biến mới mẻ, các công thức giúp tăng thêm độ thơm ngon cho món ăn dần được ra lò. Vì thế mà mẹ tôi đã tiến hành rắc lên những đĩa sắn một thìa cà phê nghệ vàng, thêm bước khử dầu với một ít củ nén để hương vị món ăn được đậm đà và trông hấp dẫn hơn. Không những thế, mẹ còn lụm cụm làm một chén muối đậu ăn kèm bằng cách giã nhuyễn, trộn với một ít muối và đường cát. Kết quả cho ra một đĩa sắn luộc chấm muối đậu vô cùng bắt mắt. Đĩa sắn đã xua tan đi cái lạnh và sưởi ấm lòng tôi vào mỗi mùa đông sang.
Bây giờ những món ăn được nấu từ sắn rất nhiều, nào là chè sắn, bún sắn, xôi sắn mỡ hành, sắn hấp cốt dừa… Vì vậy nếu tôi than thở rằng ở thành phố không có sắn giống như ở quê thì thật khó tin. Nhưng dù tôi đã được thưởng thức qua rất nhiều món ăn khác nhau từ sắn đi chăng nữa thì đĩa sắn luộc chấm muối đậu do chính tay mẹ nấu vẫn là món ăn "độc nhất vô nhị" trong lòng tôi. Nó đã để thương, để nhớ trong trái tim tôi tự bao giờ, như nhà thơ Bằng Việt đã từng viết: "Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm/ Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi".
Chiều nay, Sài Gòn đổ cơn mưa, nồi sắn của mẹ lại man mác hiện lên trong nỗi nhớ, mang tôi về với một miền ký ức xưa cũ…
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!
0 nhận xét:
Post a Comment