Tuesday, July 27, 2021

Sự ra đi giản dị của Anh hùng Núp theo đúng quy luật tự nhiên sinh-lão-bệnh-tử không tạo nên những cú sốc lớn trong đời sống tinh thần của cộng đồng bà con các dân tộc Tây Nguyên. Nhưng cũng chính vì có nó mà lần đầu tiên thành phố trẻ Pleiku, thủ phủ của Gia Lai được chứng kiến một cuộc sự kiện chưa từng có, biểu thị tình cảm sâu nặng của người dân đối với vị anh hùng thân yêu của mình. Mấy chục năm rồi mà trong lòng tôi vẫn lưu giữ nguyên lành cái cảm giác của hôm ấy...

Vâng, cái cảm giác xao xuyến khi cả thành phố dường như chợt sững lại trong giây lát rồi cùng lúc bừng tỉnh. Người ta lũ lượt kéo nhau tới hội trường 2-9, nơi quàn linh cữu boók Núp với một vẻ mặt đầy lưu luyến và trang nghiêm, nhưng không hề bi luỵ. Tất cả hương hoa của thành phố hôm ấy dành hết cho cuộc đưa tiễn book Núp với một nghi lễ vừa trang nghiêm và trọng thể, lại vừa hết sức dân dã khiến cho mọi thành viên của cộng đồng đều trở nên gần gũi thân thiện với nhau. Boók Núp chính là biểu tượng của tình đoàn kết giữa các dân tộc. Boók không chỉ là người con ưu tú của dân tộc Bah Nar, mà còn là người con ưu tú của cả dân tộc Việt Nam.

Đe nhâng Núp bò ma

Tôi có cái may mắn là sớm được gặp anh hùng Núp, hơn thế, lại còn được ở chung với ông mấy năm giữa thời trai trẻ. Cái thời mà những người anh hùng, chiến sĩ thi đua là thần tượng, là lý tưởng, là niềm khát khao phấn đấu của tuổi trẻ. Mỗi lần có ai đó nhắc tới Anh hừng Núp thì bà con Bah Nar thường gọi ông một cách thân thiện là đe nhâng Núp. Đe nhâng Núp có nghĩa là “ông anh”, cũng có thể dịch là “liền anh” hoặc “người anh”.

Chuyện đời thường chưa kể về Anh hùng Núp - Ảnh 1.

Anh hùng Núp (phải) và huyền thoại Che Guevara trong cuộc gặp tại Cuba tháng 7/1964. (Ảnh tư liệu tại cuộc triển lãm ảnh Bok Núp diễn ra tại Pleiku năm 2009)

 Cả ba cách dịch đều chỉ biểu thị được một phần tình cảm của người gọi đối với người được gọi. Nó gần như không đủ sức bao trùm, hàm chứa tình yêu thương tôn kính và ngưỡng mộ, thành thử hễ cứ mỗi lần có ai đó nhắc: “Đe nhâng Núp bò ma” nghĩa là anh Núp nói, tức thì ai nấy cũng đều nhận ngay ra rằng, cái điều ấy chính là nguyện vọng, là tình cảm chung của bà con dân làng.

Đe nhâng Núp, ấy là đồng chí Núp thời tôi gặp vừa làm Bí thư huyện uỷ Khu 10 (huyện 10), kiêm chính trị viên huyện đội. Cánh lính huyện đội người miền Bắc như tôi thời đó hiếm lắm, đa phần là những anh “có được học văn hoá nhiều nhiều”, đe nhâng Núp thường tổ chức gặp gỡ anh em, vừa để động viên vừa để nhắc nhở chúng tôi quan tâm đến vấn đề phong tục tập quán, ngăn ngừa những hiểu lầm đáng tiếc. Về phía chúng tôi thì mỗi anh đều đã có sẵn trong lòng mình một anh hùng Núp huyền thoại thời anh cùng bà con làng Kông Hoa – tên làng này do Nguyên Ngọc đặt trong tiểu thuyết "Đất nước đứng lên" tổ chức đánh cho thằng Pháp chảy máu. Một anh Núp hồn nhiên, trong sáng nhưng quyết liệt. 

Núp ăn sắn, hút thuốc lá và nói chuyện Phi-Đen

Hình tượng anh hùng Núp mà chúng tôi yêu mến và hâm mộ từ trong tiểu thuyết Đất nước đứng lên của nhà văn Nguyên Ngọc giờ đây càng trở nên sống động khi tiếp xúc với ông, một đe nhâng Núp bằng xương, bằng thịt, không hề có vẻ gì của một người anh hùng. Với dáng đi hơi chúi về phía trước nhưng không phải dáng đi của người vội vã, bận rộn. Hình như mọi việc đối với ông đều quá bình thường. 

Tôi chuẩn bị cho mình cuộc tiếp xúc đầu tiên với một tâm trạng thiêng liêng và hồi hộp. Tôi đợi chờ sẽ được lĩnh hội những điều mới mẻ. Điều ấy đang đến cùng với tôi đây. Đe nhâng Núp đang ngồi nướng những củ sắn chờ tôi và khi tôi tới, ông đứng dậy bắt tay với một câu chào mời rất Bah Nar: “E xa bum bé” (Mày ăn sắn đi). Rồi ông “chồ” lên một tiếng sau đó nói tiếng Kinh: “Tôi cũng ớn ăn củ mì quá nhưng huyện huy động hết lúa gạo ưu tiên cho phía trước rồi”. Tôi hiểu ông muốn thanh minh cho việc đón tiếp một thành viên mới lẽ ra không phải chỉ đơn giản thế này, và tôi vui vẻ ngồi xuống bên ông, vui vẻ ăn củ sắn vàng khươm do chính ông nướng. 

Tôi say sưa ngắm tẩu thuốc luôn luôn bập những cú bập chắc nịch, những làn khói phà ra thơm thơm, khen khét. Ngay bên cạnh chỗ ông ngồi là con dao quắm để vừa tầm tay và một cái gùi trong đó chứa hình như toàn bộ đồ đoàn của ông. Tôi cứ ngơ ngẩn nghĩ, chỉ cách đây vài tuần, vài tháng thôi, việc được gặp anh hùng Núp thì ngay cả trong mơ tôi cũng không dám mơ tưởng tới. Ấy vậy mà bây giờ đây, tôi đang ngồi bên ông, đang hút điếu thuốc lá do chính ông hướng dẫn cách quấn sao cho vừa chặt lại vừa săn, nhưng không được quá tay để khi hút kéo được hơi vào nhiều, làm cho thuốc cháy hết, cháy đều, khói ra được đậm và thơm như thuốc lá xì gà của Phi-Đen. 

Tôi vốn là tay hâm mộ Phi-Đen nên khi ông vừa nhắc tới, tôi đã vội hỏi ngay: “Thế Phi-Đen dạo này có khoẻ không chú?”. – “Khoẻ”, ông vui vẻ nói. “Không khoẻ làm sao lãnh đạo cách mạng Cu-ba thành công  được”, ông cười hồn hậu và sau đó bỗng nhìn tôi với cái vẻ tò mò, hóm hỉnh, ông hỏi bằng tiếng Bah Nar: “Mình nghe anh em báo cáo, đồng chí nói được tiếng Bah Nar, sao không nói chuyện với mình bằng tiếng Bah Nar cho vui?”.  Tôi lúng túng, tuy nhiên được lời như cởi tấm lòng, cũng giống như nhiều  anh em người Kinh khác đang mê mải học tiếng địa phương, chỉ cần gợi ý thế là tôi đâu có ngán. 

Chuyện đời thường chưa kể về Anh hùng Núp - Ảnh 2.

Anh hùng Núp. (Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ)

Huyền thoại "gài bẫy"

Tôi bắt đầu “mở băng”. Tôi kể chuyện hồi mới học tiếng đồng bào, lũ du kích làng Đê Chơ Rang chuyên trị bày cho tôi những câu bậy bạ để nghe tôi nói làm trò cho họ cười. Ông chợt đẩy cái mẹt có củ sắn nướng tôi đang ăn dở sát vào người tôi, với vẻ mặt nghiêm trang, nói: “Xa! Xa bé!”, bằng phản ứng tự nhiên, tôi ngồi xích ra và ông níu vai tôi cười, nói: “Đó, người ta mời mình ăn đi lại sợ, lại ngồi tít xa ra thế, không cười sao được?”. Tôi biết mình bị hố, bị ông “gài bẫy”. Tôi phải xin lỗi bạn đọc mở ngoặc đơn chỗ này là vì, tiếng Bah Nar từ “xa” có nghĩa là “ăn”. Bằng thái độ đẩy cái mẹt của ông khiến tôi không kịp phản ứng, không kịp nhận ra trò “gài bẫy” vui vẻ của ông. Đó, anh hùng Núp là thế đó. Từ lúc được tiếp xúc với ông tới giờ, tôi đã nhanh chóng quên mất rằng tôi đang làm việc, theo như cách nói trang trọng của đồng chí liên lạc là, làm việc với cấp trên. Hơn thế, tôi đã quên cả những câu định hỏi, những ý định nói mà trước khi đi tôi đã chuẩn bị. Tôi cũng không nhớ rằng, tôi đang được nói chuyện với thần tượng của mình nữa…

*

* *

Giờ đây anh Núp đã đi xa. Vẫn biết cái chuyện ấy không thể nào tránh khỏi. Mỗi lần về, tôi lại rủ mấy anh bạn văn nghệ ở Gia Lai lên đỉnh đồi nghĩa trang liệt sĩ kể cho nhau nghe những kỷ niệm của mình với đe nhâng Núp. Thật hiếm có người anh hùng nào lại dễ gần, dễ cảm tình đối với anh em văn nghệ như ông.

0 nhận xét:

Post a Comment