Việc nặng nhọc nào tôi cũng làm được hết
Về câu chuyện chị là tỉ phú đất, có người bảo vườn nhà chị 11.000m2, có người bảo chỉ có 2.000m2, sự thật là gì?
- Mảnh đất này (ở Bình Phước) bố mẹ tôi khai hoang từ năm 1982, tổng cộng có 11.000m2. Sau này ông bà chia cho bốn anh em mỗi người 2.000m2. Riêng ba tôi có 3.000m2, nhưng vì ba sống cùng mẹ con tôi, ba cho tôi số đất đó, thế là tôi có 5.000m2.
Dịch Covid-19 ảnh hưởng như thế nào đến đời sống của chị?
- Ngoài việc không được đi diễn thì chúng tôi ổn. Hiện tôi sống cùng ba và hai đứa nhỏ, ngày nào cũng đủ thứ việc, ba làm cỏ ngoài đồng, tôi chăm cây cối, nuôi gà... Chỉ có hai người lớn nên mọi việc của vườn ruộng đều do cha con tôi thầu hết.
Chị biết làm nông đấy à?
- Giỏi lắm. Tôi sống ở đây từ năm 1986, phụ ba mẹ làm đủ thứ việc từ nấu cơm, gánh nước, làm vườn, cho đến cắt cỏ tranh lợp mái nhà. Giờ về làm vườn cũng thuận tay, mà việc nào không biết thì có thể hỏi ba tôi.
Như thế là khu vườn nuôi được gia đình chị?
- Tôi cũng không tính chi li nhưng thu nhập chính của tôi vẫn là từ việc đóng phim. Tuy nhiên, hai năm qua, công việc ít, tiền tiết kiệm cũng cạn, thì đúng là sống nhờ vào vườn. Ở quê, sinh hoạt phí rẻ lắm, rau cỏ đầy ngoài vườn, tôi còn đào ao thả cá, nuôi gà, vịt... gần như tự cung tự cấp được.
Một ngày ở quê của chị như thế nào?
- Nhà tôi ở trong xóm, cả ngày không nghe thấy tiếng xe. Tôi cũng không xem ti vi, điện thoại thì luôn để ở một chỗ. Âm thanh nổi bật nhất ở đây là tiếng chim và tiếng suối chảy. Tôi ngoài làm vườn còn có nhiệm vụ ngày làm ba bữa cơm cho mấy ông cháu. Không khí ở đây sạch, đồ ăn cũng sạch nên cả nhà tôi đều khỏe.
Khi quyết định chuyển từ Sài Gòn về quê, chị có từng đắn đo?
- Có chứ, nhất là việc học của các con, ở quê thì điều kiện học hành không được như ở trên Sài Gòn, nhưng tôi nghĩ hai đứa còn nhỏ, việc học tiểu học cũng còn đơn giản. Quan trọng nhất là ba tôi ở Sài Gòn buồn lắm, ngày ngày chỉ có việc bắc ghế dòm ra đường. Về quê, ông có thể ra đồng làm việc, lại không phải leo cầu thang đau khớp. Suy đi tính lại, tôi quyết định chuyển nhà, may là chuyển đúng vì không lâu sau đó thì Covid-19 xảy ra. Mỗi lần có vai diễn hoặc có việc tôi đi xe máy lên Sài Gòn, diễn xong lại về.
Từng bị "dồn đến đáy cuộc đời"
Qua ba cuộc tình, Kiều Trinh có ba người con, nhưng hiện tại, chị nuôi con một mình và không có bất cứ sự trợ giúp nào từ phía ba của những đứa trẻ. "Số mình nó vậy, tôi lựa chọn sinh con ra nên cũng sẽ có trách nhiệm với lựa chọn này", chị nói.
Mười năm trước, một bạn nghề của chị bảo: chưa thấy ai thảm như Trinh, lúc ấy chị mới sinh bé thứ hai đúng không?
- Đúng rồi, tôi sinh nó được đúng một ngày thì má tôi mất. Lúc ấy tôi bị lừa trắng tay khi đặt tiền mua chung cư, cận ngày sinh mà trong túi chỉ còn 2 triệu đồng. Vừa mất người thân thương nhất, mất tình, mất tiền, lại một mình nuôi con nhỏ, chăm lo cho đứa lớn, có lúc tôi tưởng mình chết được.
Tình trạng ấy kéo dài bao lâu?
- Lâu đấy. Đến lúc thằng nhỏ biết uống sữa tươi tôi vẫn còn túng quẫn. Tôi nhớ, có những ngày trong túi chỉ có 10 ngàn thôi. Tôi lấy hai ngàn mua ổ bánh mì không nhân, bẻ ra, tôi với Tú (con gái lớn của Kiều Trinh, hiện cũng là diễn viên và sống tại Sài Gòn) mỗi người một nửa, còn tám ngàn tôi mua hộp sữa cho thằng bé.
Ai là người đã kéo chị ra khỏi vũng lầy ấy?
- Chính là Tú. Tôi bị đánh, phải khâu 8 mũi, mất trí nhớ. Tú ở bên tôi, giúp tôi bằng cách nhắc đi nhắc lại việc này, việc kia. Sau đận ấy, tôi quên nhiều chuyện, cả chuyện vui lẫn chuyện buồn. Có thể nhờ thế, giờ tôi sống nhẹ nhõm hơn.
Bây giờ chúng tôi vẫn khó khăn về kinh tế nhưng so với nhiều người, tôi thấy mình còn ổn, ít nhất tôi có mảnh vườn, có mái nhà để ở. Tôi chưa bao giờ quên khi mình bị dồn ép đến mức tuyệt vọng, từng có nhiều bạn bè, anh em giơ tay ra đỡ. Tôi dạy con, nếu có thể giúp ai được thì hết sức giúp. Đợt dịch COVID-19 vừa rồi, khi ở Sài Gòn, tôi phát bánh bao cho người nghèo. Về quê, tôi mua gạo phát cho người bán vé số, cho trẻ em... Tôi làm những việc trong khả năng của mình, không kêu gọi ai.
Không muốn bị gọi là "nữ hoàng cảnh nóng"
Sau phim "Bi đừng sợ", Kiều Trinh được gọi là "nữ hoàng cảnh nóng", chị biết điều ấy không?
- Thú thực tôi ít quan tâm đến mạng xã hội, đến dư luận lắm. Nhưng có nghe chuyện đó. Tôi không thích mình bị gọi như thế, điều ấy ảnh hưởng đến các con tôi.
Chị có thể kể rõ hơn về sự ảnh hưởng ấy không?
- Lúc ấy Tú còn nhỏ. Một hôm cô giáo của con gọi điện bảo tôi: Tú nghỉ học mấy hôm rồi. Tôi căng thẳng lắm, chỉ sợ con mê chơi, con hư vì mẹ ít có thời gian quan tâm. Lúc đó tôi đi đóng phim tối ngày, chỉ biết là sáng ra con vẫn mặc đồng phục đeo ba lô đến lớp. Tôi về hỏi Tú, ban đầu con chối. Về sau gạn mãi thì nó bảo không thích đến lớp vì bị bạn ghẹo hoài nói mẹ mày thế này thế kia. Tôi giật mình, thì ra nó bị ảnh hưởng bởi những nhận xét cảnh nóng, hở hang đó. Bình tĩnh lại, tôi hỏi con: Con ở với mẹ con có thấy mẹ có giống những lời đó không, nó bảo không, vậy mẹ có làm những việc xấu đó không, nó bảo không. Tôi bảo: mấy bạn nói bậy bạ, con đừng để bạn ảnh hưởng đến việc học của con, mẹ đi làm kiếm tiền khổ cực để con được đi học mà con lại nghỉ thì mẹ làm làm gì?
Vì chuyện đó, sau này nhận kịch bản của cả mình và Tú tôi đều xem rất kỹ, xem có cảnh nóng hay không.
Nếu kịch bản có cảnh nóng thì giờ chị không muốn nhận?
- Nếu đó là điều bắt buộc, mà kịch bản lại hay thì tôi vẫn cân nhắc chứ. Nhưng nhìn chung, tôi sẽ tránh, giờ tôi có ba đứa con, tôi không muốn những chuyện kiểu như thế ảnh hưởng đến chúng.
Diễn viên Kiều Trinh sinh năm 1976 tại Bình Phước, xuất thân là một thợ may. Trong một lần đi casting phim chỉ với mục đích được nhìn thấy mặt của các diễn viên nổi tiếng, chị đã bất ngờ vượt qua hơn 800 ứng viên để nhận được vai nữ chính trong bộ phim điện ảnh "Mùa len trâu" của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh dù chị chưa từng học qua diễn xuất.
Bộ phim "Mùa len trâu" đã đạt nhiều giải thưởng điện ảnh quốc tế và mở đường cho Kiều Trinh đến với nhiều bộ phim điện ảnh khác sau đó như: Rừng đen, Bi đừng sợ, Song Lang...
0 nhận xét:
Post a Comment