Sau một thời gian dài mắc chứng tai biến não, nhà văn Sơn Tùng đã tạ thế vào lúc 23h tối qua (ngày 22//7/2021) tại nhà riêng (khu tập thể Văn Chương, Đống Đa, Hà Nội).
Chia sẻ với PV Dân Việt, nhà văn Thiên Sơn (cháu của nhà văn Sơn Tùng - PV) cho biết, sức khỏe tác giả tiểu thuyết "Búp sen xanh" đã chuyển biến xấu hơn 1 tháng qua và phải nằm tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô. Tuy vậy, do tình hình dịch bệnh nên mọi người không thể đến thăm, chỉ con trai ông được vào chăm sóc.
Nhà văn Sơn Tùng sinh năm 1928 tại Diễn Châu, Nghệ An trong một gia đình nhà nho nghèo. Từ 1944 đến 1971, khi mới 16 tuổi, ông đã sớm tham gia cách mạng, hoạt động trong phong trào thanh niên, sinh viên Thủ đô. Sau đó, ông tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hoạt động tích cực trên nhiều lĩnh vực như tuyên truyền, huấn luyện quân sự, phóng viên. Sơn Tùng từng bị chấn thương sọ não khi mảnh đạn M79 găm khắp thân thể, gây nhiều thương tổn cho cơ thể cho đến tận về sau.
Sau khi Hà Nội giải phóng, Sơn Tùng vào học tại trường Đại học Nhân dân. Năm 1961, ông về viết cho báo Nông nghiệp và từ cuối năm 1962 là phóng viên của báo Tiền phong.
Tác phẩm nổi tiếng nhất của nhà văn Sơn Tùng là tiểu thuyết "Búp sen xanh", viết về cuộc đời của chủ tịch Hồ Chí Minh. Ra mắt lần đầu năm 1982, tới nay, tác phẩm đã được tái bản lần thứ 30. Ngoài ra, ông còn là tác giả của các cuốn "Từ làng Sen"; "Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh", "Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh", "Bác về", "Bông sen vàng"... Ông được coi là nhà văn viết về Bác Hồ thành công nhất.
Năm 2011, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Minh Triết ký Quyết định số 1083/QĐ-CTN phong tặng nhà văn Sơn Tùng là Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, trở thành người thứ 4 thuộc Hội Nhà văn Việt Nam được trao tặng danh hiệu này.
Tháng 6/2010, nhà văn Sơn Tùng bị tai biến não, phải cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai. Sau biến cố này, sức khỏe ông suy kiệt dần. Ông nằm liệt suốt một thời gian dài, mọi hoạt động đều phải nhờ tới sự chăm sóc của người vợ tảo tần, thủy chung - bà Phan Hồng Mai.
0 nhận xét:
Post a Comment