Sunday, September 19, 2021

Nghệ sĩ đừng cho mình quyền dùng sức mạnh để tự mãn

MC Tùng Leo có quan điểm thế nào về vấn đề "sao kê niềm tin khi làm thiện nguyện" và "thị trường từ thiện" đang gây ồn ào dư luận?

- Quan điểm của tôi là từ thiện là từ tâm. Sống tham thì thâm. Ngay thẳng sẽ thanh thản. Không nên mắc bẫy để tự biến mình thành người phải đi minh oan khi đã không có lỗi. Còn một khi đã cần sự trong sạch, hãy nhờ pháp luật và truyền thông can thiệp ngay lập tức. Covid-19 đang đưa mọi thứ về bản chất của nó, và con người đang rất thật với cuộc sống này: bao dung, hy sinh, hám danh, mê tiền, vụ lợi, độc ác, trung trực… hiện ra rất rõ.

Cứ thế mà để cuộc sống vận động theo đúng tính triết học của nó. Trật tự mới và sự thanh lọc nào cũng có cả hiệu quả và hậu quả. Vả lại, người với người sống để yêu nhau. Ai lợi dụng con người, dù cho mục đích tham lam hay triệt hạ người khác, đều sẽ gặp "quả báo" cho mình sau này. Liệu pháp luật đã có cách nào để trừng trị những sự xấu xa đó chưa?

MC Tùng Leo: "Sức mạnh ảnh hưởng của nghệ sĩ là con dao hai lưỡi" - Ảnh 1.

"Trên đời, cái gì liên quan đến tiền cũng cần minh bạch cả" - MC Tùng Leo (Ảnh: NVCC)

Nhận tiền thập phương để cứu trợ trao bá tánh thì minh bạch là điều nên làm chứ không phải đợi bị công kích xảy ra mới làm, Tùng Leo nhận thấy điều này có đúng không?

- Cái này thì đúng. Trên đời, cái gì liên quan đến tiền cũng cần minh bạch cả.

Dư luận đấu tranh vì công bằng lẽ phải hay muốn nhìn thấy người khác sai lầm và ngã ngựa, theo Tùng Leo thì làm sao để nhận ra lằn ranh và không vượt qua?

- Tất cả đều đến từ quá trình hình thành tính cách và nhận thức. Lòng người, tham sân si hận luôn đủ, nhưng có người dừng lại được, có người không. Nhìn vào bức tranh lớn sẽ dễ thấy thấu đáo vấn đề: dịch bệnh tràn lan, đói kém triền miên, tương lai mờ mịt. Con người dần hoảng loạn nhưng không có cái để bấu víu, chỉ có tự mình khuyên mình cố gắng.

Dần lâu ngày, đó là thứ năng lượng "đen" bị đè nén. Và chỉ cần một ngòi nổ, người ta sẽ dồn hết cái thứ kinh khủng ấy vào để tự cân bằng. Người ta chì chiết, hạ nhục, cào xé danh dự của người khác, nhân danh sự công bằng, cũng là để tự thỏa mãn cái tôi đang hoang mang và mệt mỏi của mình, khi niềm tin của mình vào chính mình cũng không còn vững chắc. Nhìn thấy người khác ngã ngựa mà hả dạ là một tâm lý tìm kiếm sự cân bằng của những người luôn không bằng lòng với cuộc sống.

Chả phải chúng ta thích bi kịch trong các tác phẩm tưởng tượng hay sao? Phim ảnh, sân khấu, thậm chí ca nhạc cũng đã phản ánh rõ: con người thích nhìn người khác đau để bớt đau cái đau của mình, thích nhìn người khác sai lầm để bớt thấy ăn năn cho sai lầm của mình. Theo tôi, khó có thể nói đâu là giới hạn. Đủ nhận thức sẽ biết dừng lại hay tiến tới.

MC Tùng Leo: "Sức mạnh ảnh hưởng của nghệ sĩ là con dao hai lưỡi" - Ảnh 2.

"Người nghệ sĩ cũng phải tự nhìn lại mình. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân" - MC Tùng Leo. (Ảnh: NVCC)

Gần đây, khi 1 nghệ sĩ lan tỏa tinh thần vì đồng bào, lá lành đùm lá rách phải khóa bình luận Facebook, dù người này không dính bất cứ lùm xùm gì. Đơn giản vì cư dân mạng cho rằng người này là bạn của người kia, sao không "bắt ép" người kia sao kê, mà còn làm tự thiện như thể "tát vào mặt họ"?

Rồi người ta gọi những nghệ sĩ gạo cội là "con", là "thằng". Tôi đau lòng lắm! Cuối cùng, họ cần công bằng, cần công lý hay cần giết chết người khác? Ngay cả khi 1 người không liên quan đang làm điều tốt mà còn bị "đòn oan", vậy quá rõ mục đích cuối cùng của nhóm người đó đâu phải là sự công bằng?

Rồi người ta gọi những nghệ sĩ gạo cội là "con", là "thằng". Tôi đau lòng lắm! Cuối cùng, họ cần công bằng, cần công lý hay cần giết chết người khác?

Lý do cũng một phần vì người hâm mộ thấy thất vọng về người nghệ sĩ họ từng yêu mến. Họ muốn nghệ sĩ chứng minh sự minh bạch. Bởi khi lòng tin bị mất đi thì đòi hỏi sự thật là tất yếu?

- Người nghệ sĩ cũng phải tự nhìn lại mình. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Chính lâu nay chúng ta hay xem "nghệ sĩ" là một tính từ chỉ sự lãng mạn để lơ mơ, chỉ sức mạnh cảm xúc để không dùng lý trí, để tự do mà thiếu kiểm soát, để thoải mái mà không đề cao sự chuyên nghiệp. Hàng loạt chuyện xảy ra khiến công chúng mất lòng tin thì nghệ sĩ không thể tiếp tục được yêu quý.

Một phần khác, nghệ sĩ có phần bề nổi của cuộc sống quá sung sướng, giàu có, hay khoe mẽ làm người khác một mặt khát khao, một mặt ức chế và nghi ngờ. Dậu đổ bìm leo, cái nhu cầu "san bằng hóa" khái niệm chất lượng sống đã làm cho mọi người hả hê. Giá như truyền thông nghiệp dư đừng làm cho showbiz chỉ toàn những thứ lố lăng, kệch cỡm thì người ta đã không tìm cách để hạ bệ.

Các tác phẩm như: "Cô đào hát", "Trà hoa nữ"… trước đây cũng từng cho thấy con người có khuynh hướng công kích chính những thứ họ hâm mộ, họ yêu quý hay sao? Nghệ sĩ phải quay trở về vị trí công dân trước đã, và đừng tự cho quyền mình dùng sức mạnh của sự ảnh hưởng để tự mãn.

Chính sức mạnh của sự ảnh hưởng là con dao hai lưỡi. Chẳng phải muốn chửi rủa ai, họ đều lên livestream để dùng sức mạnh của người hâm mộ dìm chết đối tượng của mình hay sao? Chơi dao thì có ngày đứt tay thôi. Tôi cảm thấy thật sự bức xúc cho các nghệ sĩ chân chính trong thời gian qua. Họ bị ảnh hưởng lây, thật không đáng.

MC Tùng Leo: "Sức mạnh ảnh hưởng của nghệ sĩ là con dao hai lưỡi" - Ảnh 4.

"Tham thì ai cũng tham. Quan trọng là mình có muốn bình yên không!" - MC Tùng Leo chia sẻ. (Ảnh: NVCC)

Nghệ sĩ giàu mà không bình yên thì khổ lắm!

Dẫu biết là thế nhưng sức mạnh của đồng tiền dễ khiến bản ngã con người khó trụ vững bởi có câu lòng tham không đáy?

- Tham thì ai cũng tham. Quan trọng là mình có muốn bình yên không. Chứ giàu mà không bình yên thì khổ lắm. Vả lại, tiền không phải được làm ra từ mồ hôi nước mắt, nó sẽ làm biến đổi nhân cách.

Có thông tin sẽ có Bộ quy tắc ứng xử dành cho nghệ sĩ được ban hành, MC Tùng Leo nghĩ gì về đề xuất này?

- Đây thực sự là điều cần thiết. Nói thật, tôi tin rất nhiều anh chị em nghệ sĩ muốn có Bộ quy tắc này để không bị đánh đồng với những người mượn danh nghệ sĩ. Vả lại, đây có thể xem là một quy định để nghệ sĩ trẻ rèn luyện, nghệ sĩ lớn tự nhắc nhở mình.

Tuy nhiên, tôi đề nghị phải mở rộng hội thảo trước khi ban hành, tránh tự mình lấy chuẩn mực đạo đức của mình áp lên người khác, mà đôi khi lại lạc hậu và tàn bạo về mặt tinh thần. Mặt trận văn hóa là mặt trận quan trọng và sai lầm trong quá khứ đã từng có chứ không phải không, nên tôi rất mong muốn phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng và có cái nhìn văn minh, có kiến thức rộng về lịch sử văn hóa, bản sắc để đưa ra Bộ quy tắc này.

Bên cạnh đó, tôi kiến nghị phải ban hành song song, Bộ quy tắc ứng xử của Truyền thông. Tôi nhận được nhiều câu hỏi đều là nghệ sĩ thế này, nghệ sĩ thế kia. Thế cho xin hỏi nếu truyền thông không tham gia thì mọi chuyện có đến nông nỗi như thế này không? Hãy công bằng.

Cũng rất bất công cho các nhà báo, phóng viên, các đơn vị truyền thông chuẩn mực. Thời đại digital cào bằng tất cả. Có lúc tôi không dám nhận mình đã từng làm công tác báo chí. Nếu tôi được đối thoại với Sở thì tôi sẽ đòi hỏi cả bản "phong sát" cho truyền thông "bẩn". Tôi nghĩ chúng ta đang quá lỏng lẻo để những thứ xuất hiện trên internet, cả về ứng xử lẫn quản trị nội dung.

Cũng rất bất công cho các nhà báo, phóng viên, các đơn vị truyền thông chuẩn mực. Thời đại digital cào bằng tất cả. Có lúc tôi không dám nhận mình đã từng làm công tác báo chí. Nếu tôi được đối thoại với Sở, tôi sẽ đòi hỏi cả bản "phong sát" cho truyền thông "bẩn".

Đòi hỏi sự minh bạch hay sự quy chụp đều có giới hạn nhưng cũng dễ dẫn đến tổn thương sâu sắc?

- Rất tổn thương. Tôi đã từng xin nghỉ việc khi bị làm tổn hại đến danh dự liên quan đến những câu chuyện tiền nong. Người nghệ sĩ có trái tim mẫn cảm, nếu đã làm tổn thương họ thì sẽ rất khó lành. Tôi rất mong báo chí và mọi người hãy giúp nghệ sĩ lan tỏa những điều tốt đẹp để những con người chân chính được bảo vệ trước những tổn thương chung gần đây. Tại sao nghệ sĩ nói bậy thì công chúng phản ứng, trong khi doanh nhân chửi bậy trên livestream thì không ai lên tiếng? Cả sự bất công đó cũng đã gây tổn thương đến những người có giáo dục.

Ranh giới nào để Tùng Leo vẫn là một MC hoạt ngôn với góc nhìn đa diện mà vẫn lan tỏa được tinh thần lạc quan trong thời điểm chung tay đẩy lùi dịch Covid-19 này, thưa anh?

- Trước tiên, nếu mọi người để ý kỹ, tôi không xuất hiện nhiều trong vai trò MC nữa. Tôi đã qua tuổi thích sự ồn ào và tưng bừng của danh tiếng. Những hoạt động mang tính chiều sâu và bền vững là điều tôi hướng đến: đi học, đi dạy, làm công tác quản lý… năng lượng tích cực là thứ tôi học được ở môi trường xung quanh tôi hiện tại: chính trực, hiệu quả, chuyên nghiệp.

Tôi giành thời gian nhiều hơn cho gia đình. Dịch bệnh đã từng động đến bà tôi, bác tôi, nên tôi vô cùng trân quý cuộc sống. Khi không thể kiểm soát được sự vô thường, tôi sẽ cố gắng tích cực và bình tĩnh nhất có thể, để sống. Cuộc sống đang nhiều bất trắc, loài người vẫn bận mạt sát nhau, thì khi nào mới có lại "bình thường mới"?

Điều cuối cùng, tôi rất cảm ơn những câu hỏi hôm nay. Xin cho tôi được chia sẻ thật lòng mong ước chung cho cuộc sống sớm quay về bình yên, kiểm soát tốt dịch bệnh, kinh tế được cải thiện, không còn người dân phải chịu đói khổ, ly tan. Xin cho tôi thể hiện lòng biết ơn đến các y bác sĩ và tất cả các cơ quan ban ngành, đoàn thể, cá nhân đã và đang chung tay chống dịch. Và xin cho tôi chỉ là nêu quan điểm của một công dân, không khoác thêm một tư cách nào khác. Chân thành cảm ơn quý vị.

Cảm ơn MC Tùng Leo đã chia sẻ thông tin!

Tùng Leo tên thật Nguyễn Thanh Tùng sinh năm 1980. Tùng Leo tốt nghiệp Đại học kiến trúc. Anh từng là giảng viên khoa Thiết kế thời trang của trường Đại học Kiến trúc trong 10 năm.

Tùng Leo được đông đảo khán giả biết đến với vai trò MC dẫn chương trình cho nhiều talkshow, chương trình ca nhạc, thời trang nổi tiếng.

Anh từng ra mắt các cuốn sách: "Tìm nhau giữa Sài Gòn", "Những con đường mang tên đừng có nhớ", "Bên này thương bên kia", "Những nụ hôn tạm biệt".

Tùng Leo là nhà sản xuất, biên kịch cho nhiều chương trình, phim sitcom trên YanTV như: "Chiến dịch chống ế 1,2" và phiên bản điện ảnh của "Chiến dịch chống ế - Bẫy ngọt ngào".

Hiện tại: Tùng Leo là Giảng viên/ Chuyên gia Media/ Truyền hình – Nhà sản xuất & dẫn chương trình.

0 nhận xét:

Post a Comment