"Bắt trend" vấn đề nóng
Khán giả theo dõi "Hương vị tình thân" đều biết trong những tập gần đây, bà Xuân (Quách Thu Phương) đã quyết định đi thi cuộc thi sắc đẹp cũng như lập nên quỹ từ thiện Mùa Xuân Cho Em để giúp đỡ phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn theo lời của cô bạn thân Nguyệt (Hoàng Yến) cùng tình trẻ.
Tuy nhiên, cuối cùng, bà Xuân lại bị chính bạn của mình lừa. Tất cả số tiền tỷ bà kêu gọi được từ các mạnh thường quân, đối tác của tập đoàn quyên góp đã bị bạn cuỗm mất và cao chạy xa bay. Bà Xuân bị tố ăn chặn tiền từ thiện. Dân mạng kêu gọi bà Xuân phải sao kê minh bạch tiền từ thiện thì họ mới vừa lòng.
Chi tiết này xuất hiện trên phim khiến khán giả vô cùng thích thú và bất ngờ. Đa phần khán giả đều dành lời khen cho ê-kíp của "Hương vị tình thân" đã nhanh chóng "bắt trend" một vấn đề nóng mang tính thời sự đang được công chúng quan tâm, trong bối cảnh nhiều nghệ sĩ Việt nổi tiếng như Trấn Thành, Thủy Tiên, Đàm Vĩnh Hưng… được công chúng yêu cầu sao kê tiền kêu gọi từ thiện.
Vấn đề minh bạch trong thu chi của họ đã và đang là đề tài được dân mạng tranh cãi, nhắc đến hàng ngày. Tình tiết bà Xuân ghi tiền từ thiện ra giấy khá tương đồng với cách làm của một số nghệ sĩ Việt trước đó.
Nói về vấn đề này, biên kịch của phim, Trịnh Khánh Hà cho biết: "Trong 1-2 năm gần đây, việc làm từ thiện của nhiều nghệ sĩ đã và đang là vấn đề hot được công chúng quan tâm nên chúng tôi đã đưa vào kịch bản từ trước chứ không phải là mới. Tuy nhiên sao kê là chi tiết nhỏ được thêm vào mang tính thời sự, tăng phần hấp dẫn. Điều quan trọng nhất là phù hợp với tổng thể bộ phim, truyền tải hết thông điệp muốn gửi đến khán giả, đây cũng là một trong những biến cố làm cho bà Xuân cũng như những mối quan hệ xoay quanh nhân vật thay đổi".
Việc thêm chi tiết sao kê, từ thiện đã khiến cho "Hương vị tình thân" nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ phía khán giả trong những ngày vừa qua bởi mặc dù chất liệu được lấy từ thực tế cuộc sống, mang tính thời sự nhưng quan trọng nhất là hợp với nội dung, không bị quá lố cũng như thể hiện tốt thông điệp bộ phim muốn gửi gắm ngay từ đầu về nhân vật bà Xuân cùng gia đình. Đó cũng chính là ưu điểm của cách làm phim "cuốn chiếu" mà "Hương vị tình thân" đang theo đuổi.
Làm phim "cuốn chiếu": Xu hướng tất yếu?
Trong những năm gần đây, VFC đã thay đổi cách làm phim truyền thống để chuyển sang quay "cuốn chiếu", tức là phim sản xuất đến đâu phát sóng đến đấy, chỉ quay trước ít tập chứ không quay hết rồi mới ra mắt nữa. Nhờ vậy mà đoàn làm phim có thể lắng nghe được ý kiến của người xem để chỉnh sửa kịch bản hay trang phục, lối diễn của các diễn viên, nhằm mang đến những thước phim chất lượng nhất cho khán giả.
Những bộ phim đình đám như "Người phán xử", "Sống chung với mẹ chồng", "Quỳnh búp bê", "Mê cung", "Về nhà đi con", "Nàng dâu order"… đều được thực hiện theo cách thức này. Đặc biệt, "Chạy trốn thanh xuân", "Người phán xử", "Sống chung với mẹ chồng"… còn quyết định quay lại tập cuối, khi bộ phim đã đi gần hết chặng đường. Trước đó, những hình ảnh được cho là đoạn kết phim đã được lan truyền trên mạng, và có lẽ không được như ý khán giả nên các đoàn phim đã điều chỉnh lại kết cục cho hợp với mong muốn của công chúng.
Theo chia sẻ của biên kịch Trịnh Khánh Hà, nếu như trước đây, một kịch bản truyền hình thường có 2 người phụ trách thì hiện tại, theo cách làm "cuốn chiếu", sẽ có 4 người phụ trách phần biên kịch. Ưu điểm của cách làm này là bám sát diễn biến phản ứng của khán giả, tạo ra sự tương tác nhất định giữa người xem và người làm phim. Mặt khác, tránh được tình trạng bế tắc, các biên kịch cùng bàn luận, đưa ra ý tưởng mới. Tuy nhiên, thách thức là kịch bản ở những tập phim sau phải bám sát theo nội dung đã định hướng ban đầu. Các biên kịch cần có sự liên kết chặt chẽ với nhau, bàn bạc thật kỹ trên cái sườn câu chuyện sẵn có để tránh việc mất kiểm soát.
Không ít đoàn phim vì mải mê chạy theo thị hiếu người xem nên phim cứ bị "bôi" ra. Từ thông báo ban đầu chỉ 62-64 tập, "Về nhà đi con" đã bị phát sinh tới 84 tập phim. Hay "Gạo nếp gạo tẻ" vì thấy khán giả phản ứng quá mãnh liệt và quá yêu mến các nhân vật, nên biên kịch và đạo diễn đã nâng số tập từ 40 thành 80. Rồi lại từ 80 lên 100 tập, và cuối cùng kết thúc ở 109 tập. Việc kéo dài thời lượng khiến phim rơi vào cảnh lê thê, nhàm chán, mất đi sự hấp dẫn ban đầu.
Vì phim vẫn tiếp tục quay khi đang phát sóng nên khi các đoàn phim đi quay tại các địa điểm ngoại cảnh sẽ lập tức thu hút người hâm mộ quay phim, chụp ảnh. Do đó, không ít đoàn phim lâm vào cảnh dở khóc dở cười khi phim chỉ mới chiếu 30 tập nhưng trên mạng đã tung lên các tình tiết đến tập 40.
Việc làm phim cuốn chiếu cũng khiến các đoàn phim vất vả hơn, đặc biệt là những đoàn hiện vẫn đang phải quay trong mùa dịch bệnh Covid-19 như "Hương vị tình thân", "11 tháng 5 ngày", "Ngày mai bình yên"... Dù Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội nhưng các ê-kip này vẫn phải gấp rút quay vì lịch chiếu phim đã có, bắt buộc phải đảm bảo tiến độ làm ra sản phẩm. Do đó, dù thời tiết nắng nóng, có khi nhiệt độ ngoài trời lên đến 50-55 độ nhưng công việc vẫn phải tiếp tục. Cả đoàn vừa nghĩ cách chống nóng, vừa phải xét nghiệm liên tục, thực hiện các biện pháp bảo đảm phòng chống dịch.
"Sản xuất phim theo quy trình cuốn chiếu thì bất kỳ chuyện gì cũng có thể xảy ra. Ví dụ khi làm phim không có trường quay, thời tiết bỗng nhiên mưa một tuần, ngoại cảnh không thể quay, ngay lập tức phim bị chậm tiến độ. Rất nhiều biến cố khác có thể xảy ra như diễn viên ốm chẳng hạn, cảnh quay lại phải nghỉ. Hoặc diễn viên bỏ ngang vai, nhà sản xuất sẽ gặp rắc rối…", đạo diễn Trọng Trinh - người từng tham gia nhóm đạo diễn của bộ phim "Những người độc thân vui vẻ" cho biết. Cũng theo vị đạo diễn này, khi đã bắt tay vào sản xuất một bộ phim theo quy trình "cuốn chiếu", nghĩa là đoàn phim phải chấp nhập mạo hiểm, chấp nhận tất cả sự rủi ro mà nó mang lại.
0 nhận xét:
Post a Comment