Tuesday, October 5, 2021

Đây là cuốn sách thứ hai của tác giả. Cuốn thứ nhất của anh có tên "Mùi chữ" ra năm 2014 đã trình làng một gương mặt phê bình văn học mới. Hoài Nam học ngành Văn ra làm báo ở mảng văn nghệ (trước ở VTV, nay ở Truyền hình Nhân Dân) nhưng khi viết phê bình thì anh là người của nghề. Từ sau cuốn sách đầu tay anh vẫn viết đều trên các báo chí, vẫn có mặt tại các diễn đàn văn học, vẫn lên tiếng trong các sự kiện văn chương. Những bài viết đó được Hoài Nam tập hợp lại trong cuốn sách thứ hai này của anh. Tên sách dài dòng thật thà nói rõ hai phần sắp xếp các bài viết mà sự phân biệt chỉ là tương đối, ví như bài "Trần Hùng thơ và những giấc mơ thơ" để ở phần hai có khi hợp hơn.

Đọc sách cùng bạn: Trang sách mặt văn - Ảnh 1.

TỪ TRANG SÁCH ĐẾN GƯƠNG MẶT VĂN CHƯƠNG

Tác giả: Nguyễn Hoài Nam

Tao Đàn & Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2021

Số trang: 239 (khổ 14x20,5cm)

Số lượng: 300

Giá bán: 150.000

Đọc một nhà phê bình viết phê bình người đọc trông chờ điều gì. Trước nhất họ trông chờ cái đọc của nhà phê bình. Về điểm này Hoài Nam có cái đưa lại cho người đọc. Thứ nhất là anh bám sát đời sống văn chương. Thấy sách tản văn ra nhiều anh ghé mắt "nhìn lướt" thể loại nhỏ này. Thấy sách tự truyện gây bão dư luận anh nhảy vào xem sao. Anh chỉ ra "hai vệt sáng của văn xuôi trẻ 2016" là Đinh Phương và Huỳnh Trọng Khang. Anh nhìn vào "những người đàn bà của nhà văn Ma Văn Kháng" (cái tên bài dễ gây hiểu lầm nên tác giả đã nói rõ ngay đầu bài). Rồi anh đọc các tác phẩm của Hồ Anh Thái, Đỗ Phấn, Nguyễn Việt Hà, Lê Minh Hà, Đỗ Tiến Thụy, Nguyễn Thế Kỷ. Không chỉ văn trong nước mà cả văn nước ngoài: Linda Lê, Irene Nemirovsky, Joseph Heller, Philip Roth. Đọc từng tác phẩm cụ thể nhưng Hoài Nam luôn cố gắng xuyên qua một cuốn sách để tìm ra đặc điểm, lối viết của một nhà văn hay một dòng văn.

Theo sát đời sống văn chương nên Hoài Nam tự tin nhận định: "Với văn xuôi Việt Nam, vài năm đã đi qua trong cái dáng vẻ của một đời sống từ lâu nay vốn dĩ yên ả, không mấy khi có những sự kiện đột xuất, trội bật, "sáng lòa". Thế nhưng, ở một vài khu vực "đề tài" riêng biệt – phải để chữ đề tài trong ngoặc kép, vì nói chung, viết theo đề tài chẳng phải là điều tự hào cho lắm đối với những nhà văn "đích đáng" – vẫn có những cái cần được chú ý." Tìm ra "những cái cần được chú ý" đó chính là công việc của nhà phê bình. Và nhà phê bình văn học Hoài Nam đã làm được cái việc đó trong phạm vi và khả năng đọc thấy của mình.

Bài mới nhất về thời gian tính trong tập là về nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Bài viết với đầu đề "Nguyễn Huy Thiệp giữa những tiếng kêu thương" là cái nhìn tỉnh táo thẳng thắn của nhà phê bình giữa lúc mọi người đang thương tiếc nhà văn mới qua đời (3/2021). Theo tác giả, cái khoảng trống Nguyễn Huy Thiệp để lại trên văn đàn không phải bây giờ ông nằm xuống mới lộ ra trong những tiếng kêu thương, "mà nó đã há miệng từ hơn 20 năm trước, khi bút lực Nguyễn Huy Thiệp cơ hồ không còn chút sức rướn nào." Những nhận định mang sức nặng của ý kiến riêng như thế này người đọc có thể gặp nhiều trong các bài viết của Hoài Nam. Và đó là một sự bảo chứng cho phê bình văn học của anh.

Trong sách, bên cái nhìn ngang – hiện tại, thỉnh thoảng Hoài Nam lại hướng con mắt nhìn dọc – lịch sử, để chợt thấy một đặc phẩm thơ Việt khi đọc thơ Lý-Trần, để nêu ra 5 tập thơ theo anh là dấu mốc của lịch sử thơ Việt hiện đại, để nêu lên vài nhận xét về văn chương thời kỳ đổi mới, để nhìn lại "Hai ông Trương, một Tự Lực Văn Đoàn". Đó cũng là điều thứ hai người đọc có thể cảm nhận ở cuốn sách này của Hoài Nam. Trong các bài viết của mình anh luôn có sự song hành, đối chiếu, liên hệ giữa đồng đại (nhìn ngang) và lịch đại (nhìn dọc). Bài viết như thế, dù là đọc sách, cũng sẽ có tính chất nghiên cứu ít nhiều. Phần hai của cuốn sách ("Những gương mặt"), theo cách sắp xếp của tác giả, có thể coi như sự triển khai một số ý tưởng của phần một ("Những trang sách").

Cái cách Hoài Nam triển khai từ viết về một cuốn sách cụ thể đến viết về cách viết của một tác giả, hoặc của những tác giả về cùng một chủ đề, cho thấy anh có dụng công đọc sâu. Như khi anh bàn về mấy tác phẩm viết về Hà Nội (Đỗ Phấn, Nguyễn Việt Hà, Lê Minh Hà), rồi đi sâu vào một tác giả (Đỗ Phấn) và nâng lên thành vấn đề "Văn chương đô thị Việt Nam hiện nay". Trong các bài viết này (và cả ở những bài về các chủ đề khác) Hoài Nam có những ý kiến bổ ích đáng được bàn luận, trao đổi. Đây là mảng văn chương tôi có quan tâm và cũng đã từng viết và nói là ở ta chưa có văn chương đô thị, mà thường khi viết về phố lại theo tâm thức đối lập với làng. Vì thế tôi tán thành nhận định của Hoài Nam cho rằng văn chương đô thị Việt Nam còn nhạt nhòa vì tâm lý đô thị của các nhà văn viết về đô thị ở ta chưa mạnh. Tức họ chưa trở thành thị dân đúng nghĩa. Tôi nghĩ nếu Hoài Nam tiếp tục đi sâu vào mảng "sống ở phố, viết về phố" mà viết hẳn thành một chuyên luận thì hay.

Phê bình văn học của Hoài Nam ngoài hai điều trên còn dễ khiến người đọc thích đọc vì lối viết của anh. Văn phê bình của anh rõ ràng, trong sáng, linh hoạt, không nặng nề thuật ngữ, điển chương, trích dẫn. Anh có biết lý thuyết văn học và biết cách dùng chúng khi cần cho cái viết của mình, chứ không phải để làm sang, làm hiệu. Trong cả cuốn sách thấy mấy lần anh có vận dụng lý thuyết tự sự học, nhất là khái niệm "Palimpsest" (nhưng anh không ghi chữ này, chỉ nói nghĩa của nó) của nhà tự sự Gérard Genette (Pháp). Đó là lý thuyết về sự "viết lại" khi một bản viết mới (hạ bản) được viết đè lên một bản viết cũ (thượng bản). Hoài Nam nói lý thuyết này khi liên quan tới sự phân tích các tác phẩm cụ thể của Nguyễn Thế Kỷ, Diêm Liên Khoa. Anh có nhắc đến khái niệm "trường văn học" của nhà xã hội học văn học Pháp Pierre Bourdieu khi lý giải vì sao không có sự "đối đầu thế hệ" trong thời văn học đổi mới. Anh so sánh hồi ký và tự truyện bằng cách tóm tắt định nghĩa của hai loại này chứ không trích dẫn hàn lâm cho người đọc thấy rõ được ngay. (Tuy nhiên hai tên gọi thể loại này khi anh chú tiếng Anh lại ghi nhầm tên: "Autobiogphy" là "tự truyện" và "Memoir" là "hồi ký" mới đúng.)

Nguyễn Hoài Nam làm phê bình văn học đề cao sự trung thực, trước nhất là trung thực với mình. Trung thực trong bài viết phê bình là nói thẳng các ý kiến nhận xét, đánh giả của mình về tác giả tác phẩm văn chương một cách có sở cứ thuyết phục. Nói cách khác, nhà phê bình thực sự trước hết là người phải có quan điểm văn chương của mình. Hoài Nam đã có cái đó. Anh đã chứng tỏ được tư cách làm nghề phê bình văn học của mình bằng hai cuốn sách đã ra. Người đọc còn chờ đợi ở anh nhiều hơn thế nữa.

Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách khác.     

Hà Nội, 5.10.2021

0 nhận xét:

Post a Comment