Thursday, January 13, 2022

"Nguyễn cầm ca – Kiều"  là vở cải lương của tác giả Nguyễn Hiếu phối hợp với đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai thực hiện lấy cảm hứng từ "Truyện Kiều". Tác phẩm tạo nhiều cảm xúc đẹp, ấn tượng đặc biệt cho người xem bởi sự hiện đại và chất trữ tình của cải lương hiện đại.

Nhà văn Nguyễn Hiếu: "Kiều ở sân khấu cải lương sẽ mang đến góc nhìn hoàn toàn khác" - Ảnh 1.

"Nguyễn cầm ca – Kiều" là vở cải lương của tác giả Nguyễn Hiếu phối hợp với đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai thực hiện lấy cảm hứng từ "Truyện Kiều". Ảnh: NVCC

Từng dựng "Kiều" trên sân khấu kịch nói và lần này nhà văn Nguyễn Hiếu thực hiện vở cải lương "Nguyễn cầm ca - Kiều". Ông có thể có thể cho biết thêm về tác phẩm vừa được ra mắt tại Nhà hát Cải lương Việt Nam trong thời gian qua?

- "Truyện Kiều" là một danh tác của đại thi hào Nguyễn Du. Còn với cá nhân tôi, đây là lần thứ 3 tôi viết kịch bản dựa trên cảm hứng "Truyện Kiều". Lần thứ nhất là tại Nhà hát Kịch Việt Nam do cố NSND Anh Tú thực hiện.

Đó là lần đầu tiên kịch nói về Kiều ra mắt. Sau đó, Kiều lần đầu lên sân khấu rối với tên gọi "Thân phận nàng Kiều". Có thể nói, đây là sự kiện tạo ra tiếng vang lớn trong Liên hoan Sân khấu quốc tế lần thứ 4. Sau đó, Kiều tiếp tục được NSƯT Lê Chức đưa lên sân khấu múa rối.

Vở diễn được đánh giá cao tại Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm. Ở lần này, Kiều lại xuất hiện tại sân khấu cải lương. Dù cùng được xây dựng trên một nguồn cảm hứng nhưng ở mỗi loại hình nghệ thuật, Kiều lại xuất hiện với một dung dáng khác nhau.

Vậy với vở cải lương có tên "Nguyễn cầm ca – Kiều" lần này, các hình tượng nghệ thuật được nhà văn tạo nên có gì đặc biệt?

- Với sân khấu cải lương, tôi chú trọng và sử dụng nhiều hơn chất âm nhạc trong "Truyện Kiều". Bởi lẽ, chúng ta đều biết trong tác phẩm, Kiều đã xuất hiện qua những lần đánh đàn cho Kim Trọng, Từ Hải, Hoạn Thư hay Hồ Tôn Hiến... Trong mỗi lần xuất hiện, tâm trạng của Kiều lại được bộc lộ ở những hoàn cảnh, tình thế khác nhau.

Đặc biệt, hơn 3.000 câu thơ của tác phẩm cũng chính là khúc nhạc du dương thể hiện những tâm trạng khác nhau của nàng Kiều trong xã hội phong kiến. Đến với cải lương, sự xuất hiện của Kiều với thân phận bị dập vùi, chà đạp khiến cho con người mất nhân quyền và sự tự do. Sự xuất hiện của nàng Kiều cùng tiếng đàn trên sân khấu cải lương sẽ càng tô thêm thân phận và nỗi buồn của nàng Kiều.

Nhà văn Nguyễn Hiếu: "Kiều ở sân khấu cải lương sẽ mang đến góc nhìn hoàn toàn khác" - Ảnh 2.

Sự xuất hiện của nàng Kiều cùng tiếng đàn trên sân khấu cải lương sẽ càng tô thêm thân phận và nỗi buồn của nàng Kiều. Ảnh: NVCC

Về nhân vật nàng Kiều ở cải lương, ông mong đợi tác phẩm sẽ mang đến cho khán giả điều gì?

- Có thể nói, kịch bản lần này đem đến những góc nhìn về nàng Kiều hoàn toàn khác so với tác phẩm Kiều viết cho rối và cho kịch nói. Sự thay đổi lớn nhất ở đây là sự xuất hiện của âm thanh tiếng đàn trên sân khấu. Chúng ta đều biết nghệ thuật cải lương thường mang nhiều tính chất bi lụy, đa cảm.

Chính vì đi theo tiếng hát bi cảm đó nên kịch bản mới của "Truyện Kiều" lần này phần nhiều nhấn mạnh đến tâm trạng và số phận của Kiều. Do đó, có thể nói Kiều của cải lương mang theo rất nhiều tâm trạng và điều này cực kỳ phù hợp với bản chất của nghệ thuật cải lương.

Khi tác phẩm ra mắt và tham gia Liên hoan Cải lương toàn quốc vào năm sau chắc chắn sẽ mang tới điều mới mẻ cho khán giả. Vậy nhà văn có đánh giá thế nào về cách thể hiện của những nghệ sĩ tại Nhà hát Cải lương Việt Nam?

- Tôi đã xem bản báo cáo với phần thể hiện của các nghệ sĩ tại Nhà hát Cải lương cùng đạo diễn, NSND Quỳnh Mai thực hiện. Qua đó, tôi thấy được chất duy cảm được thực hiện rất tốt. Bởi lẽ, nếu Kiều của kịch nói là sự thăng hoa và tàn khốc của tác phẩm thì Kiều trong rối lại là sự xuất hiện của những thế lực hắc ám trà đạp Kiều.

Đó đều là những biểu hiện cho thấy sự xuất hiện của cái xấu đã trở thành một thế lực. Tuy nhiên, Kiều ở cải lương lại có yếu tố duy cảm mạnh hơn. Bởi lẽ, thông qua những cung đàn mà Kiều đánh cho các nhân vật sẽ biểu hiện tính đau thương, bi lụy và sự vươn mình của một thân phận đàn bà. Qua đó, tôi hy vọng rằng Kiều ở cải lương sẽ đạt được những kết quả tốt và tạo nên tiếng vang cho Nhà hát Cải lương Việt Nam.

Nhà văn Nguyễn Hiếu: "Kiều ở sân khấu cải lương sẽ mang đến góc nhìn hoàn toàn khác" - Ảnh 3.

Nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Hiếu (ngoài cùng bên phải). Ảnh: NVCC

Nhà văn Nguyễn Hiếu có suy nghĩ gì về sự phát triển của kịch nói hiện nay?

- Tôi cho rằng, hiện nay kịch nói của chúng ta đang ở giai đoạn suy thoái. Vì thế, lễ kỷ niệm lần này có thể sẽ là dấu mốc để kịch nói Việt Nam phát triển. Trong vài thập niên trở lại đây, kịch nói của chúng ta không được khán giả đón nhận là do kịch là thánh đường mà ở đó người xem thấy được những vấn đề cả xã hội đều quan tâm.

Tuy nhiên, trong những thập niên trở lại đây chúng ta lại chỉ nói về những mâu thuẫn nhỏ mà thiếu đi những mâu thuẫn lớn. Trong khi đó, những mâu thuẫn lớn mới là yếu tố để thu hút khán giả. Đồng thời, chỉ có những mâu thuẫn lớn mới bộc lộ được những thông điệp lớn mà tác giả muốn gửi gắm.

Chúng ta có thể nhớ lại những vở kịch của Lưu Quang Vũ, hay của Xuân Quỳnh. Đó mới là những vở kịch mang theo các vấn đề bức xúc. Do đó, đến bây giờ khi các vở kịch đó diễn lại vẫn có thể thu hút người xem. Ở những vở kịch như thế, người xem mới tìm được những vấn đề lớn của xã hội và nhân loại.

Tôi cho rằng, chúng ta đã đánh mất đi tính thông điệp của các vở kịch. Hơn nữa, những tác phẩm của chúng ta trong những thập niên trở lại đây đều là những tác phẩm cũ với những con người cũ, cách làm cũ...

Điều này chứng tỏ chúng ta đang đi vào lối mòn và khó tạo được sự thu hút. Tôi mong rằng, chúng ta sẽ tạo ra được những bước đột phá, tìm ra vấn đề và xây dựng giải pháp để phát triển nghệ thuật kịch nói của dân tộc.

Cảm ơn nhà văn Nguyễn Hiếu đã chia sẻ thông tin!

Nhà văn Nguyễn Hiếu viết văn từ khi học lớp 10. Bài thơ in báo đầu tiên là "Xung quanh một chiến công" trên báo Văn Nghệ năm 1973. Năm 1976, ông có truyện ngắn in báo đầu tiên là "Hai chị em cùng nghề" trên báo Lao Động.

Nhà văn Nguyễn Hiếu từng nhận giành được các giải thưởng như: Giải B của Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam cho Kịch Nguyễn Hiếu năm 2003. Giải B cuộc thi của Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Công an trao cho "Mặt nạ để đời" vào năm 2010. Giải Thụy Điển tài trợ đề tài giáo dục trao cho bài thơ "Bốn đứa trẻ bên bờ sông Hàn" năm 1999. Giải B Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho kịch bản "Dàn mùng tơi gẫy rập" vào năm 2010. Giải C văn học đề tài Công nhân và người lao động với "Biển toàn là nước" năm 2010. Giải nhất cuộc thi ký và truyện ngắn Công an Hà Nội với "Bố tôi - người công an Hà Nội"...

Các kịch bản sân khấu gần đây như: "Chu Văn An - người thầy của muôn đời" - Nhà hát Chèo Quân đội dựng, "Thân phận nàng Kiều" - Nhà hát Múa rối Việt Nam, "Kiều" - Nhà hát Kịch Việt Nam.

0 nhận xét:

Post a Comment