Một nỗi phân vân trước những ngày thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ: Quê hay phố? Rồi thì quyết định: Quê! Hơn hai mươi năm chạy đi, chạy về mỗi ngày đoạn đường hơn hai mươi cây số. Ngày ở phố, đêm ở quê, chưa khi nào ở yên một chỗ nhiều ngày như này. Những ngày giãn cách xã hội vì dịch bệnh có lẽ thật khó quên...
... Ký ức cầu Ông Cộ xưa là một cây cầu sắt. Mặt sàn cầu ghép bằng những mảnh gỗ. Mỗi lần chạy xe lên cầu cảm giác cứ hồi hộp, vừa run, vừa sợ. Hồi nhỏ, mỗi lần ba chở về quê, là mỗi bận đến đầu cầu ba ngừng xe để tháo dép ở chân mình bỏ vô giỏ vì sợ qua cầu gập ghềnh, dép rớt. Mình ngồi trên xe, ngó nước dưới sông qua khe hở mấy tấm kẻ ván, cảm giác thấy mình như đang băng băng trên...mặt nước! Qua hết cầu là đến con đường đất đỏ au. Con đường chạy dọc giữa hai bên cánh đồng lúa xanh mơn. Chạy chừng chút nữa thì đến mảnh vườn nhà nội ở An Điền.
Ông bà nội mất từ những năm trước giải phóng, hồi mình chưa ra đời. Quê không còn người thân, nhưng ba vẫn thường về. Thập niên đầu những năm tám mươi, mình chừng tám, chín tuổi. Mỗi cuối tuần, được ba chở về quê thăm những người bà con, họ hàng. Dọn cỏ rác mảnh vườn nhỏ của nội.
"Cây cầu này có từ thời Pháp. Hồi chiến tranh có lần bị đánh sập. Hồi nhỏ ba hay tắm sông ở khúc sông mé bên này. Hồi ba lớn, ba hay chèo ghe đi lưới cá ở khúc sông mé bên kia. Hồi đi tham gia cách mạng, ba hay lội qua lội lại khúc sông đằng kia. Hồi đó, khúc sông chỗ này hay có cá sấu. Cứ mỗi bận qua cầu là ba: hồi đó... hồi đó... đến nỗi mình chẳng nhớ nổi thứ tự chuyện nào ba kể trước, chuyện nào kể sau. Chỉ biết thời thơ ấu và cả tuổi thanh xuân của ba gắn liền với cây cầu quê hương một thời đạn bom khói lửa. "Xứ Tây Nam này hồi chiến tranh ác liệt lắm. Giặc Mỹ khiếp sợ đặt tên thành vùng "Tam giác sắt". Bài học vỡ lòng về quê hương mà ba dạy mà mình thuộc nằm lòng từ những ngày còn nhỏ là địa danh "Tam giác sắt": ba xã Phú An, An Điền, An Tây.
Quê nội, quê ngoại cách nhau cũng dòng sông, cây cầu này. Một bữa má ngồi nhắc nhớ: "Hồi mới quen, ngày nào ba bây cũng lội từ bờ bên kia qua bên này thăm má. Ổng bơi qua, bơi lại hoài, sợ có bữa sấu ăn thịt ổng nên má ưng ổng đại cho rồi". Đám con chưa già nhưng cũng không còn trẻ của má bữa đó xúm nhau cười ngã nghiêng, ngã ngữa!
Nhớ hồi mình mới biết đi xe máy, ba tin tưởng giao tay lái. Lần đó về quê, ba đem nước mắm, nước tương, đường, bột ngọt... chỉ vì: "Mấy món này ở quê bà con quí lắm"! Ba máng bên phải, bên trái, còn lại chất đầy baga trước.
Mình phăng phăng thả con dốc dài. Con dốc cũng tên dốc cầu Ông Cộ. Đến đầu cầu, mình trả số, rồ ga. Tay lái kềm cứng, mình vừa chạy vừa ngó...nước lững lờ trôi qua mấy kẻ ván. Chưa qua nửa cầu thì mình hoa mắt, tay lái loạng choạng, rồi bánh xe trước trật xuống làn. Kềm không nổi, cái xe lật, mình và ba..lật luôn. Đường, bột ngọt, nước tương, nước mắm rớt, văng tứ tán. Ba vừa phụ đỡ cái xe lên vừa trấn an mình: "Từ từ con, từ từ...không có sao... không có sao....". Rồi ba lui cui đi lượm từng món, xách bộ qua cầu. Mình hoảng vía một hồi thì tự trấn tĩnh mình trở lại. Từ từ dắt bộ cái xe qua cầu.
Mấy năm sau đó ba má nghỉ hưu, chuyển về Phú An sinh sống luôn. Đám con thành thị cũng từ năm đó thành nửa quê, nửa phố.
Quãng đầu thập niên những năm chín mươi. Mình nhớ. Một sáng từ quê xuống phố, vừa đến đầu cầu thì thấy một đám đông người ùn ứ. "Cây cầu bị gãy hồi hôm. Cũng may, tài xế thắng kịp, chiếc xe tải còn trên bờ, chưa kịp... rớt xuống sông! Thông tin bật ra từ một người nào đó. Dạo đó mạng xã hội chưa phát triển. Điện thoại di động cũng chưa có. Nhưng bằng cách nào đó, thông tin cầu Ông Cộ gãy được truyền đi rất nhanh. Những chuyến đò ngang đưa người dân qua, lại trong thời gian chờ xây cây cầu mới.
Đô thị hóa từ phố về tận ruộng đồng. Quê chật vật khoác chiếc áo mới mang hình hài như phố. Không còn cảnh đất rộng, người thưa. Quê dung chứa hết thảy cư dân khắp mọi miền Bắc Trung Nam. Ba vui nhiều khi quê hương mỗi ngày thêm khởi sắc. Chiếc cầu bê tông nhỏ thì oằn nặng thêm những xe, những người.
Vậy rồi thêm một cây cầu bê tông được xây mới. Cây cầu đẹp hơn, dài hơn, cao hơn, song song với cây cầu bê tông nhỏ để phân luồng, giảm tải. Năm đó, cũng là năm ba xuống phố thường xuyên để chữa bệnh. Mỗi bận đi, bận về, từ cây cầu bê tông nhỏ bên này, ba nhìn sang cây cầu mới đang thi công. Ba trông cho mau đến ngày cây cầu mới được hợp long...
Cũng dạo đó, ba mang một nỗi buồn mỗi bận ngang cây cầu. Mình chở ba, chở luôn nổi buồn không rõ hình thù nhưng cảm giác lúc nào cũng nặng trĩu. Ấy là những cột khói đen ngòm cuồn cuộn ngoi lên từ mấy dãy nhà xưởng mé bên kia sông. "Không hiểu sao người ta lại để mấy cái nhà máy tái chế sắt thép, nhà máy giấy ngay sát mé sông. Còn con cá nào sống nổi ở khúc sông đầy ô nhiễm đó!?". Ba tâm tư vậy!
Nổi buồn thành ký ức chẳng thể tan biến đi. Nổi buồn từ ba cứ tràn lan sang mình. Những cơn thở dài triền miên của ba cứ lặp đi lặp lại. Những mé sông xanh cỏ ngày năm cũ đã chuyển thành một màu...cát! Toàn cát, với cát. Cát nhiều vô số kể. Những bãi cát trải dài. Những đống cát cao ngất. Máy hút, máy cạp, máy cẩu, ngày đêm ầm ĩ như một đại công trình.
Những mé sông bị cát xâm lấn. Lục bình kéo nhau ra giữa dòng hồn nhiên sanh sôi nẩy nỡ kín bưng mặt nước. Có bữa chiều về, từ trên cầu nhìn chiếc xuồng nhỏ loay hoay, mắc kẹt giữa thảm lục bình xanh rực mặt sông mà xốn xang. Mới hay, mỗi bận qua cầu mình cũng mang nỗi buồn nặng trĩu hệt ba mình!
Đợi mãi, cũng đến ngày cây cầu được khánh thành. Chiều đó về, trên cây cầu mới, cao vòng, lộng gió, mình nói: "Mình đang đi trên cầu mới nè ba...". Rồi mình ngó về phía đằng Tây. Qua lớp cửa kính xe, thấy mặt trời đỏ rực, to tròn như cái nia, đang từ từ lặn khuất...
Bữa đó, lần đầu tiên, cũng là lần cuối cùng ba được đi trên cây cầu quê hương cao vòng, lộng gió. Vậy mà ba đâu có hay...
Bảy năm rồi!
Cây cầu quê hương đã thành một phần ký ức trong tâm tưởng. Lẽ vậy, mới hai tuần lễ thôi mà nổi nhớ cứ quay quắt. Thời gian giãn cách lại thêm mươi ngày nữa. Muốn ra chỗ cây cầu phải qua...chốt kiểm dịch. Tất nhiên mình chẳng thể trình bày lý do rằng chạy lên cầu chỉ để ngắm... chiều rơi!
Khoảnh khắc hoàng hôn trên cây cầu quê hương chẳng bữa nào giống bữa nào. Những bữa chiều về, hoàng hôn đẹp quá, mình chịu không nổi, nên..."bất chấp"! Vừa mở điện thoại, vừa ngó chừng...kính chiếu hậu tranh thủ ghi lại những khoảnh khắc hiếm hoi.
Để giờ nhớ, mở lại mấy bức hình. Vừa ngắm khoảnh khắc tuyệt đẹp trên cây cầu quê hương mình vừa cầu mong dịch bệnh qua mau, cho những bình thường được sớm trở lại...
0 nhận xét:
Post a Comment