Sunday, October 24, 2021

Thảo luận tại tổ ở Quốc hội sáng 23/10 về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), đại biểu Lê Thu Hà, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội cho rằng hiện nay, các phương tiện truyền thông Trung Quốc đang có chiến dịch loại bỏ những ngôi sao sống lệch chuẩn.

Bà Lê Thu Hà đề xuất nên tham khảo vấn đề này vì cho rằng, người làm nghệ thuật phải giữ gìn hình ảnh, "cần đức trước khi cần tài". Đồng thời, bà đề xuất có quy định về dừng chiếu hoặc rút phép đối với các tác phẩm điện ảnh khi người nghệ sĩ vi phạm đạo đức, an ninh chính trị hoặc phát ngôn nào đó.

Bà Lê Thu Hà cũng đánh giá việc phân loại phim theo độ tuổi là công cụ văn minh đã áp dụng trên thế giới. Tuy nhiên, cần có thêm mức phân loại cao hơn "trần 18 tuổi" đang nêu trong dự thảo.

Đại biểu Hà nói: "Chúng ta đã có quy định phân loại phim theo độ tuổi, nhưng trong thực tế có nhiều phim không thể xếp loại vì những quy định ngặt nghèo. Nhiều phim có giá trị bị cấm, không thể công chiếu được, gây đáng tiếc với người làm phim nói riêng và nền điện ảnh nói chung".

Trước ý kiến này một số đạo diễn Việt đã tỏ ý lo lắng cho các sản phẩm điện ảnh và nhà sản xuất phim.

Việc cấm chiếu sẽ làm mất giá trị nhân văn và không công bằng

Chia sẻ với Dân Việt, đạo diễn phim "Ròm" cho rằng cần có những quy định cụ thể hơn về kiểm duyệt phim khi ra rạp hay công chiếu. 

Cấm chiếu phim khi nghệ sĩ vi phạm đạo đức có nguy cơ khiến nhà sản xuất phá sản - Ảnh 1.

Đạo diễn Trần Thanh Huy. Ảnh: FBNV

Đối với việc cấm hay dừng chiếu đối với những bộ phim có các nghệ sĩ vi phạm tiêu chuẩn đạo đức, vi phạm pháp luật thì nên cân nhắc vì đó là một vấn đề lớn đối với tập thể. Sáng tạo và làm ra một bộ phim  liên quan đến nhiều người chứ không phải riêng cá nhân nghệ sĩ. Việc cấm chiếu sẽ ảnh hưởng đến những người góp công vào bộ phim, sẽ làm mất giá trị nhân văn và không công bằng.

"Đó là một vấn đề rất lớn, vì sáng tạo đó là của nhiều người không chỉ riêng một người, không chỉ cá nhân mà tất cả công sức những người khác trong đoàn làm phim đều đổ sông đổ bể hết. Cho nên sẽ không công bằng với tất cả những người còn lại, việc này nên cân nhắc thật kỹ", đạo diễn Trần Thanh Huy cho biết.

Liên quan đến ý kiến phân loại phim theo nhóm tuổi hơn nữa để tránh nhiều bộ phim có giá trị cao không bị cấm chiếu, đạo diễn Thanh Duy cũng cho rằng, nếu gắn mác nhiều độ tuổi đối với các bộ phim thì rất tốt. 

Đạo diễn bày tỏ, không nên kiểm duyệt nội dung nữa khi đã phân loại độ tuổi, điều đó sẽ giúp cho các bộ phim, nhà làm phim không gặp khó khăn. Đạo diễn cho biết ở nước ngoài các nhà làm phim có nhiều sự lựa chọn hơn các nhà làm phim nước ta. Ở góc độ nào đó thì người sáng tác có quyền được giữ nguyên tác phẩm mà không bị người khác chỉnh sửa.

"Nếu gắn mác độ tuổi 18, 21, 25 thì rất tốt, gần như các nước họ đều áp dụng quy luật này. Nhưng đã phân loại theo các độ tuổi người xem rồi thì không nên kiểm duyệt nội dung nữa, nếu không nó sẽ giống cái còng. 

Ở nước ngoài người ta đã gắn mác phim ở độ tuổi bao nhiêu thì nhà làm phim họ sẽ có nhiều sự lựa chọn vì sẽ chọn được độ tuổi phù hợp ngay từ đầu. Không chỉ thế, nếu gắn mác ngay từ đầu thì quyền người sáng tác sẽ được giữ nguyên", đạo diễn Trần Thanh Huy chia sẻ.

Cũng theo đạo diễn Trần Thanh Huy, chính việc tiền kiểm và hậu kiểm sẽ sinh ra nhiều vấn đề rất lớn trong việc phát hành ra các bộ phim. 

Quay lại với nhận định trên thì nên làm rõ là đã phân loại độ tuổi cho các bộ phim rồi thì nên bỏ những điều trên, chúng ta nên theo quy tắc làm phim của quốc tế. Chỉ nên dán nhãn phân loại độ tuổi, còn các ý kiến, quan điểm cá nhân của dư luận thì không liên quan, không phải vấn đề của bộ phim, vì đó là sự sáng tạo của cá nhân làm ra bộ phim đó. Đạo diễn này cho rằng, hãy nên định nghĩa rõ hơn về tiền kiểm và hậu kiểm đối với hiện tại chứ không để nó là vấn đề mơ hồ như hiện tại.

Rút giấy phép phát hành phim khiến nhà sản xuất có nguy cơ phá sản

Cấm chiếu phim khi nghệ sĩ vi phạm đạo đức có nguy cơ khiến nhà sản xuất phá sản - Ảnh 3.

Đạo diễn Dũng Nghệ. Ảnh: NVCC

Trước ý kiến hoặc rút phép đối với các tác phẩm điện ảnh khi người nghệ sĩ vi phạm đạo đức, an ninh chính trị hoặc phát ngôn nào đó đạo diễn Dũng Nghệ tỏ ý bức xúc với Dân Việt:

"Phim là tài sản của nhà sản xuất, nó được tạo nên bởi chất xám và bằng chính sức lao động của hàng trăm con người. Các nghệ sĩ chỉ là một người làm thuê, một mảnh ghép trong tác phẩm đó. Ai sai phạm thì phải tự chịu trách nhiệm trước luật pháp, trước dư luận. 

Việc rút giấy phép phát hành phim trong trường hợp này là không thỏa đáng. Nó sẽ khiến cho nhà sản xuất có nguy cơ thua lỗ, thậm chí là phá sản, đẩy hàng trăm người lao động rơi vào tình trạng nợ lương, hoặc thất nghiệp. Tôi thấy ý kiến này hoàn toàn không thỏa đáng cả về lý lẫn tình".

Sự phản đối, quay lưng của khán giả mới là hình phạt nặng nề nhất

Chia sẻ quan điểm của mình Đạo diễn Nam Cito trả lời Dân Việt:

Cấm chiếu phim khi nghệ sĩ vi phạm đạo đức có nguy cơ khiến nhà sản xuất phá sản - Ảnh 4.

Đạo diễn Nam Cito. Ảnh: NVCC

"Theo quan điểm của tôi, nghệ sỹ là người của công chúng, là tấm gương rất nhiều người nhìn vào. Bởi vậy bản thân mỗi người nghệ sỹ phải tự có ý thức giữ gìn hình ảnh, tu dưỡng đạo đức, tập trung cống hiến tài năng thay vì những chuyện bên lề. Với tư cách là một đạo diễn kiêm nhà sản xuất, tôi luôn quan tâm đặc biệt đến vấn đề này mỗi khi lựa chọn diễn viên cho các tác phẩm của mình.

Những điều khoản ràng buộc diễn viên không được xảy ra scandal, không vị phạm đạo đức, không vi phạm pháp luật ... thường được nêu rõ và thống nhất với diễn viên trước khi ký hợp đồng. Điều này đồng nghĩa với sự tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng tác phẩm, cũng như tôn trọng khán giả. 

Việc cấm chiếu tác phẩm có sự tham gia của nghệ sỹ vi phạm đạo đức còn tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, nên có những quy định cụ thể và khung chế tài phù hợp để mỗi người biết đúng sai. Còn với những người nghệ sỹ, sự phản đối cũng như quay lưng của khán giả mới chính là hình phạt nặng nề nhất mà không ai mong muốn", Nam Cito nhấn mạnh.

0 nhận xét:

Post a Comment